Hệ giáo dục thường xuyên và nỗi lo chất lượng

Thứ sáu, 19 Tháng 6 2020 10:15 (GMT+7)
Ở hệ giáo dục thường xuyên, đa phần học viên có học lực yếu, ý thức học tập không cao... nên để các em đạt học lực từ trung bình trở lên sau mỗi năm học là việc không hề dễ dàng. Nỗi lo chất lượng luôn canh cánh với các thầy cô, nhất là với học sinh cuối cấp.
Học viên ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A, ôn tập để chuẩn bị thi cuối kỳ II.
 
Trò học nhẹ, thầy dạy nặng
 
Chất lượng học tập của học viên ở hệ GDTX luôn được thầy, cô ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) coi là nỗi lo hàng đầu. Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tuy các lớp ở trung tâm thường có số lượng học viên khá ít, nhưng dạy rất cực. Vì đầu vào chất lượng học viên không cao, nên nếu giáo viên chỉ giảng dạy như học sinh ở trường THPT, mà không hướng dẫn thêm nhiều bài tập, các em sẽ không tiếp thu được kiến thức. Mặc dù ở hệ GDTX chỉ học 7 môn, đã giảm tải một số môn so với học sinh trường THPT, nhưng để các em có kiến thức vững vàng như học sinh trường phổ thông thì rất khó”. Ngay sau học kỳ I, nắm được danh sách học sinh yếu, kém giáo viên bộ môn tại trung tâm đã dành một buổi trong tuần và ngày chủ nhật để tổ chức phụ đạo cho các em. Nhờ đó, chất lượng học viên được nâng lên rất nhiều so với đầu năm học.
 
Không riêng gì tại huyện Châu Thành, các trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh luôn đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao lượng học viên và khẳng định chất lượng hệ GDTX.
 
Cũng chủ động để đảm bảo chất lượng cuối năm, ngay sau thời gian nghỉ dịch Covid -19, các lớp GDTX ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Thủy cũng trở lại học tập khá sôi nổi. Ông Trần Văn Phước, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Để đảm bảo kết quả học kỳ II, chúng tôi đã chỉ đạo giáo viên vừa dạy, vừa ôn, nhằm giúp các em nắm vững kiến thức trọng tâm để làm bài đạt kết quả cao trong lần thi cuối kỳ này. Bên cạnh đó, đối với học sinh khối 12, chúng tôi cũng khảo sát trước nguyện vọng chọn tổ hợp thi của các em, để định hướng kịp thời”.
 
Nếu chương trình học ở trường phổ thông khá nặng và dàn trải đều ở tất cả các môn, thì ở hệ GDTX học viên chỉ học 7 môn trọng tâm trong 32 tuần. Nhẹ học trò nhưng nặng cho thầy cô giáo.
 
Cố gắng rút ngắn khoảng cách với học sinh THPT       
 
Kỳ thi THPT quốc gia trước đây và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, học viên ở hệ GDTX thi chung bộ đề với học sinh THPT, nên kết quả sẽ giống nhau. Bởi vậy, ít nhiều không còn tình trạng phân biệt bằng tốt nghiệp THPT và GDTX. Xuất phát từ thực tế này, hiện nay các trung tâm đều tập trung giúp học sinh nắm chắc kiến thức, để các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. 
 
Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A, cho biết: “Do mặt bằng chung của hệ GDTX hơi yếu hơn so với học sinh trường THPT, nên ngay sau thi học kỳ sẽ bắt đầu ôn ngay cho học sinh khối 12, để các em sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ngoài ôn theo chương trình hướng dẫn, theo đề thi minh họa, chúng tôi cũng chỉ đạo giáo viên cho các em làm thêm bài tập, giải các bài trắc nghiệm… Có như vậy, các em mới nắm chắc kiến thức và biết cách vận dụng vào bài tập nhiều hơn”.
 
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A có 138 học viên đang theo học ở hệ GDTX, trong đó khối 12 có 20 em. Qua khảo sát nguyện vọng thì có 95% học viên chọn tổ hợp khoa học xã hội. Năm 2019, tỷ lệ học viên tốt nghiệp THPT của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Châu Thành A đạt 87%.
 Theo các trung tâm, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT ở hệ GDTX còn là cách để khẳng định thương hiệu, thu hút học viên đến với hệ GDTX, nên việc ôn luyện làm sao để học viên đạt kết quả cao luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học.
 
Rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa học sinh trường THPT và học viên hệ GDTX không chỉ là mong muốn của đội ngũ cán bộ, giáo viên mà còn là mong muốn của toàn xã hội. Những năm qua, tùy thuộc vào điều kiện thực tế, các trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp để tự nâng cao chất lượng, cũng như xây dựng thương hiệu, tuy rất khó, nhưng bước đầu đem lại kết quả đáng phấn khởi, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở hệ thường xuyên được nâng dần lên, điển hình có trung tâm đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%.
 
Bài, ảnh: AN NHIÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III