Cô, trò Trường mầm non Thái Tân (Hải Dương) trong hoạt động vui chơi, trải nghiệm thực tế.
Theo Sở GD và ÐT Hải Dương, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyên đề nêu trên, các phòng GD và ÐT, các cơ sở GDMN đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch gọn các điểm trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường mầm non. Mặt khác, tích cực tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng môi trường và phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm "Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm". Sau 5 năm triển khai, diện mạo các trường mầm non đã được thay đổi, cơ sở vật chất được đầu tư, cải thiện theo hướng khai thác, tận dụng tối đa không gian sẵn có cho trẻ hoạt động; bổ sung đồ dùng, đồ chơi tự tạo, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Trẻ được trực tiếp trải nghiệm khám phá, tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe; mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động; có các kỹ năng học tập cần thiết tạo nền tảng tốt khi bước vào lớp 1. Tính đến tháng 6-2020, toàn tỉnh Hải Dương có 308 trường mầm non với 585 điểm trường; tất cả điểm trường có sân chơi ngoài trời với các thiết bị, đồ chơi ngoài trời bảo đảm an toàn. Nhiều trường có diện tích sân chơi rộng, nhiều cây xanh, bóng mát, có vườn cổ tích, thảm cỏ, sân cát, khu vui chơi vận động có mái che, có khu vực trải nghiệm cho trẻ như các trường: Mầm non Lam Sơn (huyện Thanh Miện), mầm non Kim Tân (huyện Kim Thành)…
Bên cạnh đó, các cơ sở GDMN của tỉnh đã có nhiều biện pháp sáng tạo, nhất là tập trung vào việc xây dựng và khai thác sử dụng môi trường trong tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm như: Bố trí, sắp xếp lại các khu vực trong trường, nhóm, lớp theo hướng khai thác và tận dụng triệt để không gian sẵn có để tổ chức các hoạt động cho trẻ; xây dựng các khu vực trải nghiệm, các góc thực hành kỹ năng với đồ dùng, đồ chơi, thiết bị mua mới hoặc tận dụng từ nguyên vật liệu phế thải bảo đảm an toàn, đẹp mắt, gắn với thực tế cuộc sống để trẻ được chủ động tham gia, tích cực hoạt động và phát triển kỹ năng. Cô giáo Vũ Thị Thu Làn, Hiệu trưởng Trường mầm non Thái Tân, xã Thái Tân (huyện Nam Sách) cho biết: Năm 2017, trường đứng ở tốp cuối của huyện với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Nhưng từ khi triển khai chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường đã tận dụng mọi khoảng không gian trong trường để trồng cây xanh tạo bóng mát, làm vườn cây, vườn rau của bé; dành diện tích đất để làm vườn cổ tích, bên trong trồng cỏ tạo không gian cho trẻ luyện tập phát triển vận động, bảo đảm an toàn cho trẻ khi vui chơi, thiết kế các khu chơi các trò chơi dân gian với các nguyên vật liệu gần gũi thiên nhiên... Các hoạt động trải nghiệm được thay đổi liên tục khiến trẻ thích thú và phát huy được khả năng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi và lựa chọn những phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh ở mọi lứa tuổi, bảo đảm trẻ "học bằng chơi, chơi mà học".
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyên đề, các cơ sở GDMN ở tỉnh Hải Dương cũng gặp khó khăn như diện tích khuôn viên của một số trường còn chật hẹp, khu vui chơi vận động chưa phong phú các trò chơi, thiếu phòng giáo dục thể chất. Một số trường mầm non chưa biết cách tận dụng triệt để các không gian sẵn có để tạo thành các khu vực vui chơi, trải nghiệm cho trẻ; việc tạo môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở một số trường còn mang tính trang trí, trưng bày, chưa thật sự hướng đến hiệu quả sử dụng. Nhiều trường mầm non vượt quá quy mô số nhóm, lớp theo quy định... Vì vậy, Sở GD và ÐT Hải Dương đang đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp làm tốt công tác quy hoạch gọn các điểm trường tập trung, xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, tăng cường cơ sở vật chất, ưu tiên các nguồn lực để phát triển GDMN. Mặt khác, kiến nghị Bộ GD và ÐT, tham mưu Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên tại các cơ sở GDMN để bố trí đủ số lượng người làm việc bảo đảm các hoạt động chăm sóc,
giáo dục trẻ; bổ sung vị trí việc làm đối với nhân viên y tế, nuôi dưỡng trong trường mầm non để bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; có chế độ lương và các chính sách ưu tiên giáo viên mầm non trong việc học tập nâng cao trình độ theo cơ chế đặc thù…
giáo dục trẻ; bổ sung vị trí việc làm đối với nhân viên y tế, nuôi dưỡng trong trường mầm non để bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; có chế độ lương và các chính sách ưu tiên giáo viên mầm non trong việc học tập nâng cao trình độ theo cơ chế đặc thù…
Theo Vụ trưởng GDMN (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Bá Minh, phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đã phát huy tính tự giác, tích cực, thực hiện đổi mới các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ thông qua thực hiện các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh trong giáo dục trẻ là vô cùng quan trọng, không chỉ tăng cường xã hội hóa nguồn lực mà còn thống nhất với nhà trường về nội dung và phương pháp giáo dục trẻ. Ðể phát huy kết quả đã đạt được, ngành giáo dục Hải Dương cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết, sáng tạo, không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có năng lực đánh giá khả năng phát triển của trẻ, từ đó triển khai các phương pháp chăm sóc và giáo dục phù hợp. Mặt khác, để thực hiện các mục tiêu của chuyên đề, Bộ GD và ÐT đã đề nghị Hải Dương cũng như các địa phương có các giải pháp về xây dựng môi trường giáo dục; xây dựng kế hoạch giáo dục của trường; tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, đánh giá trẻ; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
THÚY QUỲNH và NGUYÊN KHÔI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)