Chấm thi không bảo thủ, tôn trọng quan điểm riêng

Thứ sáu, 14 Tháng 8 2020 10:42 (GMT+7)
Cán bộ chấm thi tuyệt đối không được bảo thủ đối với các bài thi làm theo hướng mở và phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết
Ngày 13-8, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của bộ kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hà Nam. Trước đó, trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng đã kiểm tra chấm thi tại một số địa phương.
 
Khuyến khích sự sáng tạo
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay năm nay, quy chế và phần mềm chấm thi có một số điểm mới nhằm tăng cường tính bảo mật, chặt chẽ, khoa học cho quy trình chấm thi. Theo quy định, mỗi bài tự luận sẽ được 2 cán bộ chấm thi ở hai tổ khác nhau chấm độc lập rồi thống nhất điểm lại. Kiểm tra công tác chấm thi tại Nam Định, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu bảo đảm tuyệt đối quy định chấm 2 vòng độc lập và quy trình chấm thi, để bảo đảm điểm số của bài thi là phù hợp, chính xác.
 
"Khi nguyên tắc này được thực hiện đúng, cùng với việc các giám khảo nắm chắc quy chế, thống nhất nhận thức, chấm đều tay thì sự chênh lệch điểm số giữa hai giám khảo 1 và 2 sẽ không nhiều, thậm chí không còn khoảng cách. Khi đó, kết quả chấm sẽ là chính xác và tốt nhất" - trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia nói.
 
Trước những băn khoăn về việc đề văn mở thì đáp án sẽ mở đến đâu, ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng trong quá trình chấm thi môn tự luận, có nhiều vấn đề giáo viên muốn giữ quan điểm của mình. Tuy vậy, theo thứ trưởng, các thầy cô cần hài hòa và tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh bởi đề thi thiết kế theo hướng mở, khuyến khích sự sáng tạo và quan điểm riêng của người viết. Tuyệt đối không được bảo thủ và phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Ông Độ cũng nhắc lại các sai lầm thường gặp trong quá trình chấm thi, như chấm sót, cộng nhầm điểm… và yêu cầu các cán bộ coi thi hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng cho thí sinh.
 
Năm nay, cán bộ các trường đại học không trực tiếp tham gia khâu chấm thi nhưng sẽ được tăng cường tham gia công tác kiểm tra, giám sát quá trình chấm. 191 cán bộ giảng viên đã được huy động tham gia 32 đoàn thành tra chấm thi tại 63 tỉnh, thành. Thời gian thực hiện thanh tra chấm thi của các đoàn kéo dài từ nay đến ngày 26-8 nhưng có thể kết thúc sớm hơn tùy theo tiến độ chấm của các địa phương.
Chấm thi không bảo thủ, tôn trọng quan điểm riêng - Ảnh 1.
Các điểm chấm thi tốt nghiệp THPT đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: QUỲNH TRANG
 
Chấm thi nghiêm túc nhưng an toàn
 
Cũng giống như khâu coi thi, Bộ GD-ĐT tiếp tục đặt mục tiêu kép ở khâu chấm thi: vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên vừa chấm thi nghiêm túc, chất lượng khách quan và đúng quy chế.
 
Ông Phan Văn Đức - Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình - cho biết Thái Bình đã tiến hành chấm thi từ chiều 12-8 với 23 cán bộ chấm trắc nghiệm, số chấm thi tự luận là 164 người. Trước khi tiến hành chấm thi, Thái Bình đã tiến hành phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực chấm thi và phòng thi. Cán bộ làm công tác chấm thi được yêu cầu đeo khẩu trang, được nhân viên y tế đo nhiệt độ trước khi vào khu vực chấm thi. Trong mỗi phòng thi đều bố trí nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang dự phòng. Mỗi người ngồi 1 bàn để bảo đảm giãn cách… Tỉnh này dự kiến 17-8 sẽ chấm xong toàn bộ các bài thi tốt nghiệp.
 
Cũng dự kiến hoàn thành việc chấm thi rất sớm, ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban Chấm thi tự luận, cho biết dự kiến đến ngày 16-8, Hà Nam sẽ hoàn tất việc chấm thi. Năm nay, Hà Nam có hơn 8.400 bài thi tự luận, địa phương huy động hơn 100 cán bộ chấm thi tự luận, mỗi lượt mỗi cán bộ chấm khoảng 92 bài. Như vậy, mỗi cán bộ sẽ chấm 184 đến 185 bài. Việc chấm kiểm tra sẽ tiến hành với tối thiểu 422 bài.
 
Theo ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng, việc chấm thi của Hải Phòng thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát chặt chẽ của PA03 Công an TP Hải Phòng. Dự kiến ngày 20-8, Hải Phòng sẽ hoàn thành việc chấm thi.
 
Trong khi đó, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, cho hay tỉnh này đã trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng cho đội ngũ cán bộ chấm thi. Năm nay, Nam Định huy động hơn 200 cán bộ/giáo viên tham gia chấm thi, chấm kiểm tra đối với 18.408 bài thi tự luận môn ngữ văn và 88.970 bài thi trắc nghiệm. 
 
Ngày 27-8 công bố kết quả thi tốt nghiệp
 
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm và chấm hoàn toàn bằng máy.
 
Theo quy định mới, ban chấm thi thực hiện quét phiếu trả lời trắc nghiệm theo từng túi, kiểm tra túi bài thi trên phần mềm, xong túi nào niêm phong lại túi đó. Khi máy quét xong tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm, toàn bộ dữ liệu ảnh quét được phần mềm chấm thi tự động mã hóa sao lưu ra 2 bộ đĩa CD (1 đĩa gửi về Bộ GD-ĐT, 1 đĩa bàn giao cho hội đồng thi để cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý thi và lưu trữ).
 
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm, các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi được xuất ra từ phần mềm, bảo đảm cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định. Kết thúc khâu chấm thi, tất cả các môn được hội đồng thi duyệt kết quả thi, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về bộ để lưu trữ và đối chiếu.
 
Theo kế hoạch, ngày 27-8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi. Việc hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 30-8, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh chậm nhất ngày 4-9.
 
Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III