Để triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020, đến nay các trường mầm non trên địa bàn TP. Sóc Trăng đẩy mạnh các hoạt động chuyên đề, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý nắm vững phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tập huấn các modun thường xuyên và các modun nâng cao dành cho cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên mầm non (GVMN).
Vào dịp hè mỗi năm, Phòng GD-ĐT đã triển khai đến tận giáo viên mầm non các nội dung đã được tập huấn ở tỉnh. Hàng năm, tùy theo tình hình thực tế và điểm mạnh của các đơn vị trường để xây dựng kế hoạch tổ chức hội giảng chuyên đề trên các lĩnh vực phát triển, trong đó chú trọng đến việc thực hiện áp dụng các tiêu chí đánh giá môi trường, đánh giá hoạt động học, hoạt động vui chơi nhằm vận dụng hiệu quả các tiêu chí đánh giá thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Các trường bố trí khu vực chơi và học phù hợp với sự phát triển thể chất của trẻ. Ảnh: H.NHƯ
Kết quả triển khai chuyên đề ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP. Sóc Trăng, cụ thể như: 100% trường mầm non, trường mẫu giáo công lập và tư thục được triển khai thực hiện chuyên đề (22 trường, trong đó có 10 trường mẫu giáo công lập và 12 trường mầm non tư thục). Việc xây dựng mô hình điểm thực hiện chuyên đề trong giai đoạn 2016 - 2020, TP. Sóc Trăng đã chỉ đạo 2 trường mầm non làm thí điểm trong thực hiện chuyên đề (Mẫu giáo Vàng Anh và Mẫu giáo Vành Khuyên) để tổ chức hội giảng, báo cáo chuyên đề, xây dựng môi trường giáo dục rút kinh nghiệm.
Các trường mẫu giáo công lập được chọn làm mô hình điểm của chuyên đề thường xuyên bổ sung cơ sở vật chất, làm các góc chơi ngoài trời theo hướng mở, tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm tích cực; xây dựng các góc chợ quê, các góc khám phá khoa học. Trong các hoạt động học, hoạt động chơi, sinh hoạt của trẻ, giáo viên luôn chú ý trò chuyện, gợi hỏi trẻ nhiều hơn, chú ý đến đặc điểm cá nhân của từng trẻ, chú ý đến những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Qua đánh giá, sau 5 năm thực hiện chuyên đề tại 100% trường mầm non, chất lượng giáo dục trẻ đã được nâng lên rõ rệt. Từ khi triển khai thực hiện chuyên đề đã làm thay đổi diện mạo của nhiều trường mầm non, mẫu giáo, có nhiều ngôi trường được đầu tư xây dựng mới khang trang và kiên cố hóa, tỷ lệ trường đạt chuẩn chất lượng và chuẩn quốc gia được nâng lên.
Đặc biệt, các trường đã xây dựng môi trường giáo dục đạt yêu cầu, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm; trẻ hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, ngoại khóa; nhân dân địa phương và phụ huynh tin tưởng vào chất lượng chăm sóc giáo dục của nhà trường, từ đó có sự ủng hộ, phối hợp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ…
Một môi trường an toàn, sạch sẽ, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Có thể nói, việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu của chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1 và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non hiện nay.
H.NHƯ - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)