Tăng cường kiểm tra thi
Ngày 3-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia, cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk cũng như kiểm tra tại một số điểm thi. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng yêu cầu lực lượng tham gia công tác tổ chức thi phải đặt mục tiêu cao nhất là tính công bằng, kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị cán bộ coi thi cần nhắc nhở TS thực hiện nghiêm túc quy chế thi, tuyệt đối không mang các loại tài liệu, giấy tờ hoặc thiết bị công nghệ bị cấm vào phòng thi, tránh những sự cố đáng tiếc. Đối với khâu chấm thi, Thứ trưởng lưu ý ngoài việc nắm vững quy chế, các giáo viên cần chấm đều tay, nắm chắc đáp án và hướng dẫn chấm thi. Công tác chấm thi cần bảo đảm quy trình chấm 2 vòng độc lập, khách quan và công bằng. Đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra những sai sót hoặc nhầm lẫn không đáng có.
Các thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sau môn thi toán ở điểm thi Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng Ảnh: QUANG LUẬT
Cùng ngày, tiến sĩ Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - đã kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Sơn Động số 1 (huyện Sơn Động), Bắc Giang và tại điểm thi Trường THPT Đình Lập (Lạng Sơn). Ông Ngô Quang Khải - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn số 1, Trưởng điểm thi Trường THPT Sơn Động số 1 - cho biết điểm thi này có 20 TS dự thi, trong đó 2 TS tự do (Hà Nội và Yên Bái). Hai TS này đã có mặt từ sáng 2-9 và được điểm thi bố trí tạo điều kiện cho 2 TS và người nhà ăn ở tại điểm thi trong những ngày thi. Điểm thi đã bố trí 1 phòng thi chính thức, 1 phòng thi dự phòng và 1 phòng chờ. Phòng thi gồm 20 bàn (1 học
sinh/bàn), đủ khoảng cách theo yêu cầu 1,2 m theo quy định. Trước khi vào điểm thi, TS được cán bộ y tế đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn và đeo khẩu trang từng buổi thi khi đến trường. Trước khi TS vào phòng thi, Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường đã động viên các giám thị, cán bộ coi thi và khích lệ, dặn dò các TS phải bình tĩnh, vững tin.
Phổ điểm văn, toán sẽ tương đương đợt 1
Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi ngữ văn bám sát cấu trúc, mức độ, tính chất các câu hỏi như đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT công bố. Từ ngữ liệu cho đến yêu cầu của các câu lệnh trong các phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều tương đương với đề thi đợt 1. Đây cũng là yếu tố giúp tạo nên tâm thế tương đối tích cực, bảo đảm cho các TS thi đợt 2 có được cảm giác an tâm.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên ngữ văn tại hệ thống giáo dục Học mãi, nhận định câu nghị luận xã hội yêu cầu TS nghị luận về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần đọc hiểu là "sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống". Vấn đề "niềm tin" và khía cạnh bàn luận "sự cần thiết phải có niềm tin", hoàn toàn không xa lạ với học sinh. Câu này chắc chắn cũng đã xuất hiện trong rất nhiều bài ôn luyện của các thầy/cô trong nhiều năm học. "Vì thế, một mặt không làm khó cho học sinh nhưng mặt khác có thể hạn chế phần nào hứng thú và khả năng sáng tạo cũng như sự phát huy cái tôi độc lập của TS" - cô Tuyết đánh giá.
Ở bài nghị luận văn học với yêu cầu "phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến" trong 22 câu thơ của phần cuối đoạn trích "Việt Bắc", giáo viên này nhìn nhận hầu như không có sự thay đổi gì về dung lượng, cảm hứng, thể loại… của ngữ liệu so với câu nghị luận văn học của đề thi đợt 1. Nếu cảm hứng về đất nước, dân tộc, cách mạng… rất phù hợp với cả 2 đợt thi của năm 2020 - một năm chẵn cho những ngày kỷ niệm lớn liên quan tới những sự kiện trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, sự tương đương về dung lượng, thể loại của ngữ liệu phần nào cũng làm giảm đi tính bất ngờ vốn luôn tạo ra hứng thú cho TS khi làm bài. Điều này làm giảm tính phân loại cho đề thi và kết quả chung của kỳ thi, có thể sẽ đem lại cảm giác hụt hẫng cho một bộ phận học sinh khao khát sự mới mẻ trong những thông điệp tư tưởng, những vấn đề bàn luận vốn luôn có khả năng mang lại hứng thú và nhu cầu suy ngẫm trong một đề thi ngữ văn.
Trong khi đó đề thi toán được các giáo viên đánh giá là sẽ rơi ở ngưỡng 7 điểm. Có hơn 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao (14% tương đương 7 câu). Nhìn chung, cấu trúc này là phù hợp với mục tiêu của kỳ thi, những câu hỏi ở mức điểm 8, 9, 10 thuộc kiến thức lớp 11 và học kỳ I lớp 12 và nhằm mục tiêu phân hóa TS. Những câu hỏi vận dụng cao có dạng thức tương tự như các câu hỏi của đề lần 1. Với đề thi này, tỉ lệ điểm 8, 9 sẽ tương đối nhiều. Điều này cũng tương tự với kết quả đã công bố và phổ điểm của đề thi đợt 1.
"TS phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 mặc dù phải chịu rất nhiều áp lực về tâm lý so với TS đợt 1 nhưng nếu biết cách tập trung ôn tập, làm quen và xử lý các câu hỏi của đề thi đợt 1, TS sẽ có những điều kiện để vượt qua kỳ thi đợt 2 một cách thuận lợi hơn. Với đề thi này, đỉnh của phổ điểm vẫn sẽ rơi ở ngưỡng 7 điểm và vẫn có một khoảng hẹp dùng để phân loại TS cho các mục tiêu xét tuyển đại học" - đại diện tổ toán của Hệ thống giáo dục Học mãi nhận định.
Đà Nẵng - Quảng Nam: Không có TS vi phạm quy chế
Tại TP Đà Nẵng, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi trên địa bàn vào sáng 3-9.
Đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác coi thi tại một số điểm thi; việc chuẩn bị cho công tác làm phách bài thi và chấm thi. Đoàn cũng đã làm việc với Ban Chỉ đạo kỳ thi TP Đà Nẵng về công tác phối hợp, chuẩn bị và tổ chức kỳ thi trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ông Trinh ghi nhận tại Đà Nẵng thực hiện tốt yêu cầu phòng chống Covid-19 và bảo đảm tất cả các mặt kỹ thuật, nhân sự để kỳ thi diễn ra an toàn, thành công.
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho hay trong ngày thi đầu tiên, môn ngữ văn có 99 TS vắng thi, môn toán có 87 TS vắng thi. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có sự cố về đề thi, không có cán bộ và TS vi phạm quy chế. Trong môn thi ngữ văn, có 1 TS phải đi cấp cứu và không tiếp tục tham gia thi.
Theo ghi nhận, tại các hội đồng thi, có khá đông lực lượng làm nhiệm vụ nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn và phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Các điểm thi đều bố trí 2-4 nhân viên y tế làm nhiệm vụ. Tất cả TS trước khi vào khu vực trường thi đều đeo khẩu trang, được nhân viên y tế hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt.
Trước đó, tại buổi làm thủ tục thi, TS được yêu cầu khai báo y tế trung thực, rõ ràng nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Kiểm tra công tác tổ chức thi tại một số điểm thi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cùng ngày, ông Mai Văn Trinh đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi đợt 2 này.
Ông Trinh cũng lưu ý sau khi tổ chức thi, Quảng Nam tiếp tục tổ chức công tác chấm thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, bảo đảm đúng quy trình các bước cả bài thi tự luận và trắc nghiệm để đáp ứng đúng thời gian công bố điểm.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, trong đợt 2, tại tỉnh này có 9.099 TS đăng ký dự thi môn ngữ văn, trong đó có 79 TS vắng thi; 9.119 TS đăng ký dự thi môn toán, trong đó có 95 TS vắng thi.
B.Vân - Tr.Thường
YẾN ANH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)