Định hướng giáo dục mầm non trong năm học mới 2020-2021, Sở GD&ĐT cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh quy hoạch, rà soát, sắp xếp, phát triển trường, lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non có nhiều điểm lẻ, các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, phấn đấu tăng tỷ lệ trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với đó là tăng cường năng lực quản trị nhà trường, đổi mới cơ chế quản trị nhà trường, đổi mới cơ chế quản lý cơ sở giáo dục mầm non gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ giáo viên mầm non, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non; phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp bối cảnh địa phương; thực hiện Quyết định số 1065/QĐ-BGDĐT ngày 19-4-2019 về thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”.
Giáo dục mầm non luôn hướng đến phát triển thể chất và kỹ năng cho trẻ.
Theo định hướng chung, Sở GD&ĐT triển khai từng nhiệm vụ cụ thế đến với các trường, nền tảng nhất là thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua như: “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tiếp tục thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các cơ sở giáo dục mầm non. Nâng cao công tác quản lý ngành bằng cách tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc cấp phép thành lập, hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục, kiên quyết đình chỉ các nhóm/lớp độc lập tư thực không đảm bảo điều kiện theo quy định, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất trường học, bổ sung tài liệu, đồ dùng, đồ chơi, phần mềm hỗ trợ cho công tác quản lý, chăm sóc trẻ; phấn đấu tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo ra lớp, duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo quy định của tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, tăng tỷ lệ trẻ mầm non học 2 buổi/ngày và bán trú.
Các cơ sở giáo dục tiếp tục các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ, phát hiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn, có biện pháp khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc mất an toàn cho trẻ. Nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ bằng cách đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi so với năm học, khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì.
Bên cạnh đó là phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với bối cảnh địa phương, nâng cao chất lượng chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, khai thác và sử dụng hiệu quả môi trường cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng hiện có, khuyến khích giáo viên tự học và khai thác nguồn tài liệu, học liệu trên mạng internet.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, các cơ sở cần thực hiện tốt hơn công tác xã hội hóa giáo dục, tiếp tục huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nguồn lực phát triển giáo dục mầm non, chú trọng phát triển trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện, đặc biệt ở các khu đông dân cư, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ. Đồng thời, tích cực nghiên cứu học hỏi, áp dụng các mô hình giáo dục mầm non tiên tiến của các nước phát triển, đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Bài, ảnh: TRÚC PHA - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)