Trong đó, tính nhân văn và mục tiêu giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm” được đề cao nhưng vẫn chưa khiến giáo viên yên lòng. Vì sao?
Cần bao quát tất cả đối tượng
Kể lại với chúng tôi, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), cho biết, thay vì cho học sinh kiểm tra miệng theo hình thức gọi lên bảng trả bài thông thường, giáo viên này đã kiểm tra bài cũ bằng cách cho học sinh hỏi đáp nhanh trong 60 giây. Giáo viên sẽ đọc liên tục các câu hỏi từ dễ đến khó, học sinh chưa có đáp án câu nào sẽ nói “bỏ qua” để trả lời câu khác. Kết thúc 60 giây hỏi đáp, số đáp án đúng sẽ là điểm số của học sinh. Hình thức kiểm tra mới lạ này giúp không khí lớp học trở nên gần gũi, người thầy sắm vai người dẫn chương trình, học sinh trở thành thí sinh tham gia một cuộc chơi.
Tuy nhiên, có một học sinh “cho qua” tất cả câu hỏi, kể cả câu hỏi dễ khiến cả lớp giật mình. Trong tình huống đó, nếu người thầy không giữ được bình tĩnh sẽ cho điểm xấu hoặc trách phạt học sinh. “Tôi đã hỏi học sinh vì sao không trả lời câu hỏi thì được trả lời là em không thích kiểm tra theo hình thức này. Trước thái độ có phần thách thức, tôi bình tĩnh hỏi em muốn kiểm tra theo hình thức nào và làm đúng theo ý em mong muốn: thầy đọc câu hỏi, học sinh viết câu trả lời ra giấy. Sau lần đó, học sinh dần mở lòng hơn với tôi”, thầy Nguyễn Viết Đăng Du nhớ lại. Giáo viên này rút ra kinh nghiệm là cần giữ bình tĩnh, ứng biến linh hoạt trước những hành động, cư xử chưa đúng của học trò. Quy định về xử phạt và khen thưởng chỉ là biện pháp giáo dục cuối cùng, trước đó, đòi hỏi giáo viên phải có đủ bản lĩnh làm chủ tình huống, tập thói quen kiên nhẫn và ứng biến linh hoạt trước những hành vi của học trò.
Ở góc độ khác, theo cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên môn ngữ văn tại một hệ thống trường THPT tư thục ở quận Gò Vấp, quy định khen thưởng và xử phạt học sinh hiện nay tập trung chủ yếu ở môi trường công lập. Trong khi, với học sinh ở các trường tư thục với những đặc thù riêng về học lực, hạnh kiểm, hoàn cảnh xuất thân đòi hỏi quy chế khen thưởng, xử phạt phải có những hướng dẫn riêng cho giáo viên.
Đơn cử, sai phạm của học sinh ở trường tư thục không đơn thuần là vi phạm nội quy, gian lận kiểm tra mà có thể nghiêm trọng hơn như hành hung giáo viên, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp học. Thay đổi lớn nhất trong dự thảo lần này là thay thế đình chỉ học tập từ 1 năm thành tối đa 2 tuần, một mặt thể hiện được tính nhân văn của giáo dục, song cũng khiến giáo viên ở các trường tư lo ngại chưa bao quát hết tất cả học sinh.
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đề xuất, song song với biện pháp đình chỉ học tập 2 tuần, Bộ GD-ĐT nên có thêm quy định chi tiết về hạ bậc hạnh kiểm, đình chỉ học tập lần đầu hạ một bậc hạnh kiểm, học sinh bị đình chỉ nhiều lần sẽ ảnh hưởng kết quả xếp loại hạnh kiểm cuối năm, từ đó quyết định việc học sinh có lên lớp hay không. Kiến nghị này nhằm tạo “điểm dừng” trong vi phạm của học sinh, giúp giáo viên có thêm công cụ để giáo dục, đồng thời kêu gọi ý thức hỗ trợ, phối hợp từ gia đình.
Trao quyền nhiều hơn cho giáo viên
Sau nhiều năm đứng lớp, cô Bùi Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cho biết, bên cạnh các quy định “cứng” của bộ, ngành, giáo viên này có những quy định riêng về khen thưởng và xử phạt học sinh trong lớp. Cụ thể, từ đầu năm học, cô đặt ra quy ước với cả lớp khi các em vi phạm nội quy lần đầu sẽ nhắc nhở. Sau 2 lần nhắc nhở, nếu học sinh tiếp tục vi phạm sẽ bị ghi tên lên bảng, nếu vẫn vi phạm sẽ mời phụ huynh lên trao đổi. Nhờ đặt ra quy ước rõ ràng nên bạn nào bị ghi tên lên bảng sẽ hiểu được rằng nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị mời ba mẹ lên làm việc nên không dám tái phạm.
Đối với học sinh chưa ngoan, chỉ cần các em có một biểu hiện nghe lời, hoàn thành tốt yêu cầu của giáo viên sẽ được cô khen thưởng để động viên, khuyến khích các em có hành vi tích cực. Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình), cho biết, giáo dục học sinh phải có sự đồng hành từ hai phía là nhà trường và gia đình. Do đó, hiện nay các trường học đã trao quyền chủ động nhiều hơn cho giáo viên trong việc liên hệ, phối hợp với cha mẹ học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau để nhắc nhở ý thức, giáo dục học sinh.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nêu ý kiến, nhiều chục năm về trước, nhờ sự đồng lòng giữa gia đình và nhà trường nên “giáo dục đòn roi” cũng là một biện pháp giáo dục. Hiện tại, đòn roi không còn phù hợp trong bối cảnh mới, giáo dục với mục tiêu “lấy học sinh làm trung tâm”. Do đó, khi học sinh sai phạm, điều quan trọng nhất là giáo viên phải tìm hiểu nguyên nhân, động cơ, tâm lý của các em từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp. Với TS Hà Thanh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, khen thưởng hay kỷ luật học sinh đều cần dựa trên các quy tắc ứng xử và triết lý giáo dục của nhà trường. Vì vậy, song song với quy định, mỗi trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử làm cơ sở để giáo dục học sinh.
MINH QUÂN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)