Khó ngăn lạm thu tiền trường

Thứ tư, 23 Tháng 9 2020 07:31 (GMT+7)
Cứ vào đầu năm học, phụ huynh lại vất vả với nhiều khoản tiền trường ngoài quy định ở các cấp học nhưng đến nay không có nhiều trường bị xử lý
Cuối tuần qua, hầu hết các trường học tại TP HCM tổ chức họp phụ huynh. Những bản thu dự kiến tiền trường được thông báo khiến không ít phụ huynh bị sốc. Nhiều khoản thu lách quy định, núp bóng quỹ trường, quỹ lớp, đặt phụ huynh vào tình thế đã rồi.
 
Trăm thứ tiền vào đầu năm học
 
Sau khi phụ huynh phản ánh và dư luận lên tiếng, Trường THPT Gia Định (TP HCM) đã không thu tiền trường như dự kiến. Trước đó, những khoản thu khá vô lý của trường này khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Cụ thể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên trường đã thông báo các khoản thu như quỹ cha mẹ học sinh 800.000 đồng/năm, tiền giấy thi, đề thi, nước uống, dịch vụ tin nhắn liên lạc…
 
Một phụ huynh tại trường này cho biết những khoản thu hộ, chi hộ theo quy định không tính nhưng có những khoản hoàn toàn không có trong quy định nhưng trường vẫn dự kiến thu như tiền quỹ tài trợ công trình, cơ sở vật chất năm học 2020-2021, dự kiến thu thêm ở khối 10 là 350.000 đồng/năm, khối 11 là 250.000 đồng/năm và khối 12 là 150.000 đồng/năm. Theo lý giải của nhà trường, số tiền dự kiến thu như trên để cải tạo sàn chống thấm và thay thảm nền nhà thi đấu bị bong tróc, công trình này dự kiến khoảng 600 triệu đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị y tế, vật dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, sửa chữa và thay thế các thiết bị vệ sinh, âm thanh.
 
Phải đóng góp nhiều nhất, theo phản ánh, là những gia đình có con học lớp đầu cấp. Mới đây, nhiều phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM) cho biết ngoài các khoản thu theo quy định, họ còn được thông báo vận động đóng góp mua 2 máy lạnh cho lớp và ủng hộ quỹ khuyến tài - mạnh thường quân, với kinh phí thu dự kiến 300.000 đồng cho chương trình khuyến tài và 600.000 đồng cho chương trình mạnh thường quân. Theo lý giải, nguồn quỹ này dùng để chi cho các hoạt động như khen thưởng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên dạy học sinh giỏi…
 
Còn tại TP Huế, khối lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lợi có tổng số thu tiền trường bắt buộc và tự nguyện khoảng 4,5 triệu đồng, chưa kể tiền thuê bảo mẫu. "Mỗi lớp có một bảo mẫu và được trả công 2 triệu đồng/tháng để chăm sóc các em buổi trưa ở lại bán trú. Ngoài ra còn mua áo quần, các dụng cụ học tập" - một phụ huynh cho biết. Theo đó, riêng tiền tăng cường cơ sở vật chất bán trú là 800.000 đồng/em/năm (khối lớp 3 và 4 là 500.000 đồng, khối lớp 5 là 300.000 đồng/em), phục vụ bán trú tháng 9 là 180.000 đồng/em, tiền lắp máy điều hòa 500.000 đồng/em, an ninh trật tự 50.000 đồng/em…
Khó ngăn lạm thu tiền trường - Ảnh 1.
Bản dự thảo thu tiền trường đầu năm học của Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM). Ảnh: ĐẶNG TRINH
 
Trên hứa, dưới cứ thu
 
Nhằm ngăn chặn các khoản thu vô lý từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội vừa có công văn gửi các phòng GD-ĐT, các trường trực thuộc yêu cầu triển khai công tác kiểm tra đầu năm học 2020-2021. Sở này yêu cầu các phòng GD-ĐT tập trung kiểm tra việc tổ chức thu chi năm học 2020-2021 và việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn trường học. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác thu chi, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm.
 
Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT công khai số điện thoại đường dây nóng, cử cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh tiêu cực tại địa phương; tổ chức kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm. Sở GD-ĐT sẽ trực tiếp kiểm tra một số trường khi có thông tin phản ánh.
 
Tại TP HCM, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu ngay từ đầu năm học, trường phải thỏa thuận chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định tổ chức các hoạt động giáo dục. Mức thu các khoản như phục vụ và quản lý bán trú bậc mầm non không quá 400.000 đồng/tháng, bậc tiểu học đến THPT không quá 250.000 đồng/tháng.
 
Nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1, TP HCM thẳng thắn rằng dù phụ huynh phản ánh, dư luận lên tiếng nhưng thử hỏi có bao nhiêu trường hợp lạm thu bị xử lý đến nơi đến chốn hay cơ quan quản lý chỉ nhắc nhở qua loa là xong. Nhiều trường còn tận thu theo cách chia nhỏ các khoản đóng góp khiến phụ huynh nghĩ rằng những khoản đó không đáng bao nhiêu nên đóng cho xong. "Dù Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu; nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định nhưng thống kê đến nay có bao nhiêu người đứng đầu nhà trường bị xử lý?" - vị này đặt câu hỏi. 
 
Xử lý nghiêm (!)
 
Đại diện Bộ GD-ĐT đánh giá qua công tác thanh tra, kiểm tra thực tế, phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn tình trạng một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa quyết liệt thực hiện theo đúng quy định và chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn. Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành chủ động rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, lập đường dây nóng, thông báo công khai đường dây nóng trên website để người dân phản ánh, đồng thời báo cáo những vướng mắc về Bộ GD-ĐT để có giải pháp phù hợp.
 
PHƯƠNG QUỲNH - LAN ANH- QUANG TÁM - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III