Bộ GD-ĐT chỉ đạo về việc SGK lớp 1 bị than “nặng”

Thứ ba, 06 Tháng 10 2020 07:36 (GMT+7)
Để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) mới, ngày 5-10, Bộ GD-ĐT gửi công văn đến các sở GD-ĐT đến các sở GD-ĐT về việc xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 hợp lý, không gây quá tải cho học sinh.
SGK lớp 1 bị than là "nặng"
SGK lớp 1 bị than là "nặng"
 
Năm học 2020-2021, chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện đối với lớp 1.
 
Theo Bộ GD-ĐT, ngay sau khi khai giảng năm học mới, bộ đã kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với thực tiễn của trường; các giáo viên lớp 1 đã bước đầu áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất  học sinh.
 
Tuy nhiên, vừa qua, một số giáo viên, phụ huynh phản ánh trong quá trình tổ chức dạy và học, họ gặp khó khăn với chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1.
 
Nhiều phụ huynh than phiền chương trình học quá nặng đối với trẻ lớp 1. Các giáo viên cũng đánh giá tiến độ học theo sách Tiếng Việt lớp 1 nhanh, vượt quá khả năng tiếp thu của trẻ, gây áp lực, căng thẳng cho cả cô và trò. Thậm chí một cô giáo công tác trong ngành lâu năm cho rằng chương trình Tiếng Việt năm nay nặng nhất trong 30 năm qua. Vấn đề này đã “nóng” trong suốt những ngày qua.
 
Do đó, để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên thực hiện chương trình SGK mới, ngày 5-10, Bộ GD-ĐT gửi công văn đến các sở GD-ĐT đến các sở GD-ĐT về việc xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 hợp lý, không gây quá tải cho học sinh.
 
Bộ yêu cầu sở chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục. Mục tiêu là tránh gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở.
 
Bộ GD-ĐT yêu cầu kế hoạch giáo dục cần giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho các em. Thời khóa biểu cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.
 
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị sở chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Các trường cũng cần tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng trường, thực hiện hiệu quả chương trình.
 
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chủ động phối hợp các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn phù hợp. 
 
PHAN THẢO - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III