Sẽ dạy kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ mầm non

Thứ ba, 20 Tháng 10 2020 07:39 (GMT+7)
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
 
Mục đích nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho trẻ em, học sinh, sinh viên, các quy định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hình thành và rèn luyện cho học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, viên chức, nhân viên trong các cơ sở giáo dục các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
 
Theo dự thảo, thời lượng giáo dục kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với giáo dục mầm non sẽ được thực hiện bảo đảm hợp lý, không áp đặt, khiên cưỡng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ.
 
Đối với học sinh tiểu học là 5 tiết/năm học (1 buổi); Học sinh THCS 10 tiết/năm học (2 buổi); Học sinh THPT và học viên trung tâm giáo dục thường xuyên 15 tiết/năm học (3 buổi).
 
Đối với sinh viên các cơ sở giáo dục đại học: thời lượng thực hiện bảo đảm hợp lý phù hợp với kế hoạch đào tạo hằng năm, bảo đảm tổ chức tối thiểu 4 buổi/khóa học (5 tiết học/một buổi).
 
Về phương pháp tổ chức, đối với giáo dục mầm non sẽ lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày; nội dung giáo dục phát triển thể chất; sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa.
 
Đối với giáo dục phổ thông, lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
 
Đối với giáo dục đại học, sẽ lồng ghép trong các môn học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa. Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.
 
Dự thảo thông tư đề ra yêu cầu cần đạt đối từng đối tượng trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên. Với trẻ em mầm non, yêu cầu là nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố, tai nạn thông thường. Biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố, tai nạn thông thường. Có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.
 
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư đến hết ngày 9-12.
 
HOA LÊ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III