Tránh dạy SGK mới theo phương pháp cũ

Thứ tư, 28 Tháng 10 2020 10:48 (GMT+7)
Sau gần 2 tháng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và SGK lớp 1, nhiều trường học, giáo viên tại TP HCM thừa nhận chương trình và SGK lớp 1 vẫn quá tải
Sáng 24-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã tổ chức hội thảo "Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học lớp 1 theo chương trình, SGK mới". Hội thảo thu hút gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên (GV) và phụ huynh các trường tiểu học tham dự.
 
Kết quả học tập có thể không bằng năm trước
 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đánh giá sau gần 2 tháng thực hiện chương trình mới, bên cạnh những thuận lợi chương trình cũng bắt đầu bộc lộ một số khó khăn. "Tuy nhiên, đây là việc hết sức bình thường khi triển khai một chương trình mới. Chính vì những khó khăn nên có thể kết quả học tập của học sinh (HS) năm nay không bằng năm trước nhưng không nên so sánh theo hình thức này" - ông Hiếu nói.
 
Cũng theo ông Hiếu, yêu cầu của chương trình mới có nhiều điểm khác, vì vậy cần phải có quá trình. Nhấn mạnh vai trò của người quản lý, ông Hiếu cho rằng người hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho GV, xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt. Chẳng hạn, trong chương trình không có bài, không có tiết đó nhưng tùy tình hình thực tế, GV chủ động trong 2-3 tiết và cũng có thể lên đến 4-5 tiết để mục tiêu cuối cùng là HS đạt yêu cầu về tiếp thu.
 
Từ thực tế giảng dạy, cô Nguyễn Lê Hạnh Dung, GV Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5), cho rằng với chương trình mới, GV có quyền linh động, hoán đổi trong tiết dạy. Chẳng hạn, trong tiết 1, thay vì dạy viết bảng con sau đó mới rèn tập viết nhưng GV có thể hoán đổi.
 
Thừa nhận một số nội dung trong sách giáo khoa (SGK) lớp 1 còn quá tải. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng hiện nay trong các bộ SGK, số lượng chữ trong các bài đọc còn nhiều. Theo cô Đặng Kiều Diễm Dung, GV lớp 1/6 Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), chương trình mới được Bộ GD-ĐT quy định học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, trong đó lượng kiến thức không tăng so với chương trình hiện hành mà tăng tính trải nghiệm, thực hành, vận dụng trong từng môn học và hoạt động giáo dục để hình thành năng lực, phẩm chất cho HS… Với môn tiếng Việt, chương trình cũ quy định thời lượng dành cho môn tiếng Việt lớp 1 là 350 tiết (10 tiết/tuần), trong khi chương trình mới dành thời lượng 420 tiết (12 tiết/tuần) cho môn tiếng Việt lớp 1, tăng 70 tiết nhằm giúp cho HS lớp 1 sớm đọc thông viết thạo, có công cụ để học tốt các môn học khác. Tuy nhiên, số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều khiến việc khai thác ý nghĩa câu chuyện đối với một số HS còn hạn chế. HS lớp 1 mới vào môi trường tiểu học, chưa biết chữ và số nên cũng tạo sự khó khăn cho các em khi tiếp nhận kiến thức, đặc biệt đối với HS chậm tiếp thu. Trong sách còn một vài ngữ liệu và hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng HS.
Tránh dạy SGK mới theo phương pháp cũ - Ảnh 1.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần phải đổi mới sinh hoạt chuyên môn để tiếp cận với chương trình mới
 
Nhiều giáo viên chưa thoát khỏi tư duy cũ
 
Từ thực tế triển khai tại quận 10, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, nhìn nhận năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình mới nên SGK đến tay phụ huynh khá trễ so với mọi năm. Vì vậy, sự nghiên cứu, chuẩn bị trước và hợp tác của phụ huynh trong giáo dục HS bị hạn chế. Trước thực tế đó, Phòng GD-ĐT quận 10 đã chỉ đạo hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường tiểu học thường xuyên tham dự họp tổ chuyên môn, thăm lớp, dự giờ, kiểm tra chuyên đề ở trường để đánh giá và rút kinh nghiệm cho toàn thể GV. Nhờ đó, phòng GD-ĐT nhận ra điểm hạn chế của GV hiện nay là còn mang nặng tư duy của phương pháp dạy học trước đây nên thấy áp lực khi triển khai chương trình mới. "Quận 10 kiến nghị Sở GD-ĐT TP tiếp tục tổ chức chuyên đề dạy học cấp TP để các quận, huyện trao đổi kinh nghiệm với nhau, đồng thời sớm có định hướng giảng dạy ở lớp 2 khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm sau" - ông Văn nói.
 
Thầy Cao Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3), cho rằng mỗi SGK có triết lý riêng, từ triết lý này, tác giả xây dựng thành các đơn vị bài học. Chính vì vậy nên đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Bên cạnh đó, để việc dạy và học lớp 1 theo chương trình mới được hiệu quả, lãnh đạo các trường cần sâu sát hơn với GV, linh hoạt vận dụng theo thực tế, gỡ khó sự thiếu tự tin ở mỗi GV để họ yên tâm bàn bạc, trao đổi các vấn đề chuyên môn. 
 
HS gặp nhiều khó khăn
 
Tham dự hội thảo, một phụ huynh tại Trường Tiểu học Lê Anh Xuân (quận 7) cho biết khi so sánh giữa hai chương trình mới và cũ ở hai con học lớp 1 và lớp 5, thì thấy con học lớp 1 gặp khó khăn về cơ bản. Bé đầu thì cho học chữ trước khi vào lớp 1. Bé sau do dịch bệnh và nghe chương trình đổi mới nên không cho học trước. Vì thế, 2 tuần đầu bé học lớp 1 gặp khó khăn nhưng hiện đã bắt kịp. "Vì là công nhân, ít có thời gian học cùng con nên mong muốn được cải cách đổi mới cả chương trình giáo dục mầm non để con lên lớp 1 đỡ khó khăn" - phụ huynh này nêu ý kiến.
 
Bài và ảnh: Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III