Hai đề án giáo dục của TP HCM: Trông chờ chất lượng giáo viên!

Thứ sáu, 30 Tháng 10 2020 10:44 (GMT+7)
Trong 51 đề án thuộc 4 chương trình phát triển của TP HCM có 2 đề án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đó là đề án về giáo dục thông minh và đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết Thường trực Thành ủy và UBND TP HCM đã thông qua 2 đề án quan trọng về giáo dục, đó là đề án về giáo dục thông minh và đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.
 
8 ngành đào tạo trọng điểm
 
Ông Lê Hồng Sơn nhìn nhận trước tác động sâu rộng của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của TP HCM đang rất lớn. Việc lãnh đạo TP thông qua 2 đề án về giáo dục vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trọng trách rất lớn của toàn ngành trong việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển TP.
 
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế có quan điểm, mục tiêu với 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế và 9 giải pháp có tính toàn diện. Cụ thể, 8 ngành được xác định đào tạo nhân lực quốc tế gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch và quản lý đô thị. Đi cùng với đó là các tiêu chí như: đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi điều kiện công việc, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, năng suất lao động cao…
Hai đề án giáo dục của TP HCM: Trông chờ chất lượng giáo viên! - Ảnh 1.
Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu từ 2 đề án giáo dục quan trọng của thành phố Ảnh: QUANG LIÊM
 
Mục tiêu của đề án đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra: khuyến khích trẻ em học tiếng Anh từ mầm non, 100% trường phổ thông được dạy và học theo mô hình STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), toàn bộ trường phổ thông có hoạt động trao đổi giáo viên (GV), học sinh (HS) với các trường phổ thông trong khu vực và quốc tế, 100% chương trình đào tạo của các ngành trọng điểm được kiểm định bởi tổ chức quốc tế…
 
Đối với đề án "Giáo dục thông minh", đây là tiền đề quan trọng để giáo dục TP tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy và học trong nhà trường, mà bước đầu là mô hình thí điểm "Trung tâm điều hành giáo dục thông minh" và đề án mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai. Ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học) trong nhà trường, tạo điều kiện để HS tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với HS các trường phổ thông; đẩy mạnh hoạt động dạy học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số… Để thực hiện điều này, bậc giáo dục phổ thông của TP sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho HS.
 
Rào cản từ giáo viên còn khá lớn
 
Từ thực tế của GD-ĐT tại TP HCM, theo ông Lê Hồng Sơn, thời gian qua, TP đã xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Cụ thể là xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông, trong đó đã sớm đưa mục tiêu hội nhập vào các cấp học phổ thông. Cụ thể, đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường. Nội dung giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học… cũng được đưa vào nhà trường ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra còn có giao lưu, trao đổi các đoàn GV, HS quốc tế để giúp HS TP thêm hiểu biết về văn hóa các nước, tự tin và có thêm những kỹ năng giao tiếp với bạn bè thế giới.
 
Dù là một TP phát triển với nhiều lợi thế về các nguồn lực và chính sách ưu đãi nhưng không vì thế mà các trường tại TP HCM không gặp khó khăn trong quá trình hội nhập, mà rào cản lớn nhất nằm chính ở yếu tố con người, nhiều GV còn nặng về phương pháp giáo dục cũ. Lãnh đạo nhiều trường phổ thông tại TP HCM cho rằng ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giảng dạy, học tập là điều kiện tiên quyết để xây dựng trường học thông minh nhưng thực tế còn khá nhiều khó khăn.
 
Một trong những yếu tố gây khó khăn, theo các GV, chính là yếu tố con người. Thầy Lâm Quốc Phát, GV Trường THCS Lam Sơn (quận 6), nhận xét trên thực tế, nhiều GV còn ngại khó, nhất là những GV lớn tuổi, không chịu mạnh dạn nâng cao trình độ.
 
Cô Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận 1), nhận định một số GV nói riêng vẫn còn theo phương pháp dạy học truyền thống, chưa tự định hướng được phương pháp dạy học tích cực cho bản thân, để giảng dạy và ứng dụng CNTT vào việc quản lý thời lượng các công việc. Từ đó dẫn đến hệ quả bị đuối sức, nếu không phân chia được thời lượng công việc hợp lý. 
 
Ngoại ngữ là yếu tố then chốt
 
Tại một hội thảo về đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2030 do UBND TP HCM tổ chức, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP HCM, cho rằng nếu TP HCM sử dụng nhân lực phục vụ cho sự phát triển thì nên có cơ chế đặt hàng các đơn vị đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, TP cần nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh. Bởi khi hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế, ngoại ngữ sẽ là yếu tố then chốt. Thực tế hiện nay, khi học ĐH, sinh viên thường yếu nhất môn tiếng Anh. Cho nên, hy vọng chương trình đào tạo tiếng Anh sẽ được bắt đầu sớm để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
 
Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III