Dạy liên trường dù hiệu quả nhưng hiện vẫn được xem là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.
Dạy liên trường để…đủ tiết
Đầu năm học 2020-2021, thầy Nguyễn Việt Anh, giáo viên dạy thể dục Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, thành phố Ngã Bảy, được điều động về tăng cường cho Trường Tiểu học Ngã Bảy 2 trên địa bàn. Trường thầy Anh đang dạy do số lớp quá ít, nên giáo viên môn thể dục đang bị thiếu tiết theo quy định, trong khi trường bạn lại thiếu giáo viên. Sau các tiết dạy tại trường đang công tác, mỗi tuần thầy đều sắp xếp thời khóa biểu để tranh thủ dạy thêm 4 tiết tại Trường Tiểu học Ngã Bảy 2. Thầy Anh tâm sự: “Do trường được phân công dạy thêm để đủ tiết, cũng nằm trên đoạn đường từ trường đang biên chế về nhà, nên cũng khá thuận lợi cho tôi. Theo quy định, tôi phải dạy đủ 23 tiết/tuần nhưng tổng số tiết của trường đang biên chế tính luôn các tiết đang kiêm nhiệm tôi vẫn còn thiếu 4 tiết nên tôi chấp nhận sự điều động này”.
Những năm trước đây, để giải quyết tình trạng thiếu tiết của thầy Anh, nhà trường đã phân công thầy kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ là chủ tịch công đoàn nhà trường, bồi dưỡng học sinh giỏi các môn thể dục thể thao, tư vấn bạo lực học đường… Tuy nhiên, năm học này sau khi tính cả các tiết kiêm nhiệm vẫn bị thiếu tiết, để đảm bảo chế độ làm việc của giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy đã được phân công dạy liên trường.
Tương tự thầy Anh, thầy Nguyễn Thanh Thủ, là giáo viên dạy âm nhạc Trường THCS Phú Tân, huyện Châu Thành, mấy năm nay cũng được phân công dạy liên trường. Thầy Thủ bộc bạch: “Vì số học sinh tại địa phương theo học quá ít, mỗi tuần tôi chỉ dạy được khoảng 5 tiết/tuần. So với quy định, thiếu 14 tiết/tuần, từ năm học 2018-2019, tôi đã được phân công dạy liên trường tại Trường THCS Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hai trường cách nhau khoảng 7km. Cùng lúc dạy 2 trường, nên tôi luôn phải chủ động để đảm bảo chương trình, vì khi dạy liên trường phải di chuyển nhiều hơn”.
Còn nhiều khó khăn
Đa phần các giáo viên đang được phân công dạy liên trường chủ yếu là giáo viên các môn như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tin học… Mặc dù dạy liên trường được xem là cách làm khá hiệu quả để khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, nhưng giải pháp này vẫn còn không ít khó khăn. Cô Đỗ Ngọc Hân, giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Cây Dương 1, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Bản thân mình cũng không muốn bị thiếu tiết để phải dạy liên trường, nhưng vì đặc thù của trường lớp lúc tăng, lúc giảm học sinh từng năm, mình phải chấp nhận thôi. So với giáo viên chỉ công tác tại một trường, thì khi dạy liên trường giáo viên bắt buộc di chuyển xa hoặc nhiều hơn trước, đến với môi trường mới tất nhiên giáo viên phải bắt đầu lại từ đầu”.
Cô Hân còn thiếu 6 tiết/tuần vì vậy năm học này cô tiếp tục được điều động dạy liên trường tại Trường Tiểu học Cây Dương 2. Theo cô Hân, năm học 2020-2021, không chỉ dạy liên trường tại điểm chính, mà cô còn được phân công dạy tại điểm lẻ của Trường Tiểu học Cây Dương 2. Do điểm lẻ này nằm sâu trong kênh nội đồng cách điểm trường chính khoảng 3km, nhưng phải qua sông rất nguy hiểm, vì vậy những ngày có tiết dạy tại đây cô phải tranh thủ đi từ rất sớm.
Đối với các giáo viên dạy liên trường vì được điều động để đảm bảo đủ tiết theo quy định, nên trước giờ chưa có quy định nào hỗ trợ thêm cho các đối tượng này. “Đối với giáo viên nữ đi dạy xa xôi vất vả lắm, khi dạy liên trường thì hầu như thời gian của giáo viên cũng không còn nhiều để chấm bài, soạn bài hay chăm sóc gia đình như trước đây. Tôi cũng như nhiều giáo viên dạy liên trường khác, mong các cấp, các ngành có thể xem xét hỗ trợ thêm phần nào coi như khích lệ tinh thần, để chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa”, cô Hân chia sẻ thêm.
Với đặc thù của ngành giáo dục mỗi năm học đều có giáo viên nghỉ hưu, nghỉ thai sản… nên tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở mọi thời điểm. Để đảm bảo hoạt động giảng dạy, các trường buộc phải phân công giáo viên dạy tăng tiết, trái môn, tuy nhiên giải pháp này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Xuất phát từ thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch phân công giáo viên dạy liên trường. Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vị Thủy, cho biết: “Dạy liên trường đã góp phần rất lớn trong việc giúp giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên bộ môn đảm bảo đủ định mức giờ dạy theo quy định. Đối với một số trường nhỏ, quy mô số lớp ít giáo viên không đủ tiết. Ngoài ra, khi thực hiện hình thức dạy liên trường còn góp phần giúp những nơi thiếu giáo viên vẫn đảm bảo hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, việc dạy cùng lúc 2 trường giáo viên sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại. Vì hình thức này, nhằm giúp giáo viên đủ tiết theo quy định để hưởng phụ cấp ưu đãi của ngành, nên hiện không có mức trợ cấp, phụ cấp gì thêm”.
Dạy không đủ tiết, nhiều thiệt thòi cho giáo viên
Trước đây, khi chưa phân công dạy liên trường, một số giáo viên tại huyện Vị Thủy do dạy không đủ số tiết so với quy định (cấp THCS phải dạy 19 tiết/tuần, cấp tiểu học 23 tiết/tuần), sau khi Thanh tra Sở GD&ĐT thanh tra, một số giáo viên đã hưởng phụ cấp ưu đãi khi đứng lớp trên địa bàn huyện không đúng theo quy định đã phải nộp lại số tiền hơn 1,4 tỉ đồng…
|
75 giáo viên đang dạy liên trường
Theo thống kê từ các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố: Hiện có 49 giáo viên cấp tiểu học và 26 giáo viên cấp THCS đang được phân công dạy liên trường. Trong đó, thành phố Vị Thanh có 5 giáo viên, huyện Vị Thủy 23 giáo viên, huyện Long Mỹ 12 giáo viên, thị xã Long Mỹ 3 giáo viên, huyện Phụng Hiệp 13 giáo viên, huyện Châu Thành 11 giáo viên, thành phố Ngã Bảy 8 giáo viên. Riêng huyện Châu Thành A, do năm học này trên địa bàn có thành lập thêm trường mới, nên đang làm kế hoạch phân công giáo viên dạy liên trường.
|
Bài, ảnh: An Nhiên - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)