Hội viên CLB Tuổi Hồng Thường Thạnh, quận Cái Răng tham gia ý kiến về phòng, chống bắt nạt học đường.
Bên cạnh kiến thức về Luật Trẻ em với các quyền và bổn phận cơ bản, giới, giới tính, thể hiện giới, LGBT (người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới)..., nội dung mang tính “thời sự” được học sinh quan tâm tìm hiểu, tham gia ý kiến nhiều nhất tại các buổi tập huấn là chuyên đề phòng, chống bắt nạt học đường. Thông qua các clip tình huống bắt nạt học đường, đại diện Trung tâm CTXH thành phố trao đổi giúp các em hiểu rõ khái niệm về các hình thức bắt nạt học đường (thể chất, tinh thần), nguyên nhân và cách phòng ngừa, ứng phó. Theo đó, để phòng ngừa, ứng phó với bắt nạt học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội với trẻ bị bắt nạt để tránh tái diễn hành vi này.
Hội viên CLB Tuổi Hồng Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ thể hiện sự nhanh nhạy trong cập nhật các thông tin thời sự về bắt nạt học đường và mạnh dạn phát biểu ý kiến. Em Ðỗ Thị Hồng An, học sinh lớp 7, nói: “Ở trường em thỉnh thoảng có tình trạng các bạn bị bắt nạt, ăn hiếp nhưng không dẫn đến đánh nhau vì cán bộ lớp kịp thời trình báo để thầy cô can thiệp, xử lý. Trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, thầy cô thường nhắc nhở chúng em phải đoàn kết, thương yêu, có hiểu lầm thì nhỏ nhẹ giảng hòa, không tranh cãi, giằng co căng thẳng hay dẫn đến đánh nhau”.
Sau khi xem đoạn video clip về tình huống bắt nạt học đường, đa số hội viên CLB Tuổi Hồng Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều, cho rằng, khi xảy ra bắt nạt học đường, cách tốt nhất là báo ngay với thầy cô hay phụ huynh. Còn hội viên CLB Tuổi Hồng Thường Thạnh, quận Cái Răng, thân thiện trong giao tiếp, mạnh dạn phát biểu ý kiến về Luật Trẻ em, trình bày quan điểm trước hành vi bắt nạt học đường. Em Nguyễn Thị Thúy Ngọc, học sinh lớp 7, cho biết: “Chúng em được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng bổ ích tại những buổi sinh hoạt CLB định kỳ để áp dụng trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện”.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn, Trung tâm CTXH thành phố, cho biết: “Thời gian qua, các trường THCS có thành lập mô hình Giáo dục phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (CLB Tuổi Hồng), chủ động phối hợp tốt với Trung tâm CTXH thành phố triển khai các hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Bên cạnh chuyên đề sinh hoạt hằng tháng tại các CLB Tuổi Hồng, phòng, chống bắt nạt học đường là chuyên đề riêng biệt để tăng cường và chuyên sâu kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho học sinh về ứng phó, phòng ngừa và các giải pháp trợ giúp. Tham gia đợt tập huấn này, các em chủ động góp ý, trình bày vấn đề khá mạch lạc. Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, đối với phần trả lời ứng xử các trường hợp, tình huống về bắt nạt học đường, học sinh thể hiện sự chủ động, nhạy bén nhận diện tình huống cũng như chọn giải pháp xử lý phù hợp nhất trong môi trường học tập, đảm bảo sự ôn hòa, thân thiện. Qua đó, định hướng giáo dục các em về đạo đức, nhân cách, kỹ năng phù hợp thực tế cuộc sống, góp phần giữ vững kỷ luật học đường.
Ðể giúp học sinh nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng thực thi quyền trẻ em, nâng cao ý thức tự vệ trước những tình huống bắt nạt học đường, các ngành, đoàn thể chức năng cần phối hợp giám sát; tăng cường trao đổi, trò chuyện, tìm hiểu suy nghĩ, khó khăn các em phải đối mặt cũng như khuyến khích các em tìm hiểu giá trị cuộc sống, kỹ năng sống, tham gia hoạt động thể dục thể thao, giải trí lành mạnh. Thời gian tới, Trung tâm CTXH thành phố mong được sự quan tâm phối hợp của ngành Giáo dục và Ðào tạo để nhân rộng, tăng độ bao phủ về tập huấn phòng, chống bắt nạt học đường đối với học sinh toàn thành phố. Qua đó, tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng, ý thức tự vệ, ứng phó cũng như kiên quyết nói “không” với bắt nạt học đường, đảm bảo nề nếp, kỷ luật môi trường học tập, sinh hoạt của học sinh.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)