Khó khăn nói mãi của y tế trường học

Thứ ba, 15 Tháng 12 2020 10:17 (GMT+7)
Có phòng nhưng không có nhân viên y tế hoặc có cũng chỉ là giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm... đây là khó khăn chung ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh về công tác y tế trường học hiện nay.
Thiếu nhân lực y tế trường học là khó khăn chung đã và đang tồn tại ở nhiều trường.
 
Không mặn mà vì kiêm nhiệm và lương thấp
 
Là trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, THCS Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, được trang bị một phòng y tế khang trang với đầy đủ trang thiết bị để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, phòng y tế của trường phải đóng kín cửa không hoạt động được vì không có nhân viên chuyên trách về công tác y tế. Ông Nguyễn Văn Chuyển, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Hơn 10 năm nay, trường không có nhân viên chuyên trách về công tác y tế, vì tuyển không được, cũng không còn biên chế để tuyển dụng dành cho vị trí này, năm 2009 trường đã phân công giáo viên dạy sinh học kiêm nhiệm công tác y tế. Dù được phân công kiêm nhiệm, nhưng giáo viên này hoàn toàn không có phụ cấp gì thêm, lại mất đi 30% phụ cấp đứng lớp do không trực tiếp giảng dạy nữa. Vì vậy, cô giáo kiêm nhiệm đã xin nghỉ luôn”. 
 
Gần một năm nay, Trường THCS Long Thạnh không có nhân viên chuyên trách hoặc giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học. Tất cả giáo viên của trường đã đủ số tiết/số lớp theo quy định, do vậy không thể phân công giáo viên nào kiêm nhiệm thêm công tác y tế trường học. Để đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại chỗ, trường cũng nhờ cán bộ y tế ở xã  hướng dẫn một số thầy, cô tìm hiểu một số thuốc theo quy định, để cấp cho học sinh khi có nhu cầu. “Trường có hơn 1.000 học sinh, nhưng giờ không có ai phụ trách công tác y tế. Nếu có cán bộ phụ trách công tác y tế, sẽ giúp học sinh của trường được tiếp cận với nhiều cách phòng, chống bệnh lây nhiễm, kiến thức về chăm sóc sức khỏe”, ông Chuyển chia sẻ thêm.
 
Còn tại Trường Tiểu học Long Trị 1, thị xã Long Mỹ, mặc dù có nhân viên chuyên trách công tác y tế đủ chuẩn theo quy định, nhưng với mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, khiến nhân viên y tế không mặn mà với công việc. Anh Trần Hoàng Tuấn, nhân viên y tế của trường, bộc bạch: “Năm học rồi, khi ngành giáo dục không cho chủ trương hợp đồng đối với nhân viên y tế nữa, tôi đã bị cắt hợp đồng lao động. Lúc đó, định nghỉ ở nhà đi làm thuê, nhưng ở trường muốn hợp đồng lại theo mức lương thỏa thuận. Công tác tại trường hơn 3 năm rồi thấy cũng mến học sinh, tôi mới cố gắng gắn bó đến nay, chứ mức lương hiện tại quá thấp. Tiết kiệm lắm mới đủ được sinh hoạt một tháng, nhiều người vì vậy cũng đã bỏ nghề”. Sau khi tốt nghiệp trung cấp y sĩ, anh Tuấn đã xin về công tác tại Trường Tiểu học Long Trị 1, hiện với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống anh phải tranh thủ các ngày nghỉ để đi làm thêm kiếm thêm thu nhập.
 
Chưa có phương án lâu dài
 
Bên cạnh khó về bố trí nhân sự, vướng mắc trong thủ tục chi trả kinh phí y tế học đường theo quy định cũng làm khó các trường. Kinh phí dành cho công tác y tế trường học chủ yếu lấy từ nguồn BHYT học sinh. Nhà trường được trích một khoản kinh phí (5%) từ tổng thu bảo hiểm y tế để sử dụng cho công tác y tế học đường như: mua sắm thuốc và các thiết bị phục vụ... Tuy nhiên, theo quy định: Để được sử dụng số tiền BHYT trích lại này, yêu cầu cơ sở giáo dục phải có ít nhất một nhân viên y tế đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
 
Để giải quyết tình thế cấp bách này, một số trường đang áp dụng biện pháp tình thế là ký hợp đồng khám chữa bệnh với trạm y tế địa phương. Nhưng với cách làm này khiến nhiều trường khá lo lắng, ông Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Nếu các trường cùng ký hợp đồng khám chữa bệnh với trạm y tế xã, sẽ khó đảm bảo được chất lượng công việc vì số lượng nhân viên trạm y tế hạn chế. Trong khi đó, nhân viên y tế yêu cầu phải thường xuyên túc trực mới đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho các em”.
 
Dù đã phân công được giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học, nhưng Trường THCS Thuận Hòa, vẫn chọn hình thức hợp đồng với Trạm Y tế xã Thuận Hòa để đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Thầy Nguyễn Văn Út Em, giáo viên ngữ văn kiêm nhiệm công tác y tế của trường, cho biết: “Chưa được đi tập huấn gì nhiều, vì vậy từ khi phân công kiêm nhiệm y tế trường học, tôi chủ yếu làm hồ sơ y tế thôi, chứ cấp phát thuốc hay chăm sóc sức khỏe là không biết đường làm. Trường có phối hợp với trạm y tế xã trong chăm sóc sức khỏe cho học sinh, bởi vậy khi các em có vấn đề gì, tôi đưa thẳng qua trạm hoặc gọi gia đình đến. Chứ kiến thức y tế không có nhiều, xử lý không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh thì không hay”. Trước đó, Trường THCS Thuận Hòa hợp đồng được nhân viên y tế, nhưng từ khi có chủ trương không cho hợp đồng đối với nhân viên y tế mỗi năm, nhà trường đều phải chủ động rà soát chọn những giáo viên thiếu tiết để phân công kiêm nhiệm thêm công tác y tế trường học.
 
Ngoài quản lý và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, nhân viên y tế còn phải đảm bảo vệ sinh trường học, giáo dục sức khỏe học sinh trong trường… khối lượng công việc không hề nhỏ, nên với thực trạng trên đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường.
 
Toàn tỉnh hiện có 326 trường từ mầm non, mẫu giáo đến THPT, nhưng hiện chỉ có 92 trường có nhân viên y tế chuyên trách. Số trường còn lại, phụ trách công tác y tế trường học chủ yếu là giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm.
 
Theo Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2016 Quy định về công tác y tế trường học, ở Điều 8 nội dung công tác y tế trường học có quy định về điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học:
 
- Trường học phải có phòng y tế riêng, đảm bảo diện tích, thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh.
 
- Phòng y tế của cấp tiểu học, THCS, THPT có nhiều cấp học, trường chuyên biệt được trang bị tối thiểu 01 giường khám bệnh và lưu bệnh nhân, bàn làm việc, ghế, tủ đựng dụng cụ, thiết bị làm việc thông thường, cân, thước đo, huyết áp kế, nhiệt kế, bảng kiểm tra thị lực, bộ nẹp chân, tay và một số thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định tại Quyết định số 1221 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu dùng trong phòng y tế học đường của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non cần có các trang bị, dụng cụ chuyên môn và thuốc thiết yếu phù hợp với lứa tuổi.
 
- Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định tại Điểm này hoặc ký hợp đồng với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh...
Bài, ảnh: AN NHIÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III