Nâng mức khen thưởng để khuyến khích đào tạo học sinh giỏi?

Thứ sáu, 18 Tháng 12 2020 07:55 (GMT+7)
Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, mức thưởng đối với học sinh đoạt huy chương vàng quốc tế sẽ tăng gấp 20 lần so với hiện tại cùng các chính sách khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên đào tạo học sinh giỏi
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) TP HCM vừa có tờ trình về dự thảo xây dựng nghị quyết quy định một số chính sách về khen thưởng cho giáo viên (GV), học sinh (HS) đoạt giải trong các kỳ thi cấp TP, quốc gia, khu vực, quốc tế và cho GV có công đào tạo HS đoạt giải.
 
Tổng kinh phí hơn 27 tỉ đồng
 
Theo tờ trình của Sở GD-ĐT TP HCM, sau 16 năm thực hiện Quyết định số 162/2004 của UBND TP, việc khen thưởng HS, GV đoạt giải trong các kỳ thi và GV có công đào tạo, bồi dưỡng HS đoạt giải đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, mức thưởng hiện nay rất thấp. Cụ thể, HS đoạt huy chương vàng quốc tế năm 2004 được thưởng 10 triệu đồng nghĩa là mức thưởng tăng gấp 47 lần so với mức lương cơ sở thời điểm đó (210.000 đồng). Hiện nay, mức thưởng chỉ còn tăng 7 lần so với mức lương cơ sở (1.390.000 đồng); mức thưởng thấp nhất cho HS đoạt giải nhất cấp TP là 500.000 đồng, gấp gần 2,3 lần mức lương cơ sở năm 2004, hiện nay chỉ còn tương đương 0,35 lần so với mức lương cơ sở hiện hành.
 
Chính vì những bất cập đó, theo đề xuất của Sở GD-ĐT TP HCM trong tờ trình, dự thảo sẽ điều chỉnh tăng mức tiền thưởng cho HS, học viên đoạt giải trong các kỳ thi cấp TP, quốc gia, khu vực, quốc tế được thưởng theo mức tăng lên từ 10 đến 20 lần so với mức thưởng quy định tại Quyết định số 162. Đồng thời cũng tăng mức thưởng cho GV đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia được thưởng theo mức tăng lên 10 lần so với mức thưởng quy định trước đó. Đặc biệt bổ sung đối tượng khen thưởng và mức thưởng cho GV đoạt giải trong các kỳ thi cấp TP, khu vực, quốc tế vì Quyết định 162 không quy định đối tượng này được TP khen thưởng.
 
Sở này cũng cho biết việc điều chỉnh tăng mức thưởng cao như trên góp phần động viên GV và HS TP nỗ lực vươn lên giành được thành tích cao hơn trong học tập và các cuộc thi. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, dự kiến sau khi điều chỉnh mức thưởng mới, kinh phí khen thưởng HS, GV đoạt giải trong các kỳ thi, GV có công đào tạo bồi dưỡng HS đoạt giải trong các kỳ thi sẽ hơn 27 tỉ đồng mỗi năm.
Nâng mức khen thưởng để khuyến khích đào tạo học sinh giỏi? - Ảnh 1.
Học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm học 2019-2020. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Liệu có đạt mục đích?
Đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi và tham dự các kỳ thi luôn được xem là yêu cầu và cũng là mục tiêu quan trọng nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Theo hiệu trưởng các trường phổ thông, trong chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này tại các trường càng cần thiết và quan trọng hơn nữa. Thế nhưng, thực tế lâu nay, các trường phổ thông không mặn mà với việc này.
 
Là một trong những trường có nhiều HS giỏi trong các kỳ thi, thế nhưng ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng việc nâng mức thưởng hay không thật sự không ảnh hưởng đến việc đào tạo HS giỏi tại trường vì lý do trường tham dự các kỳ thi là vì màu cờ sắc áo, nên tự xây dựng quy chế khen thưởng riêng tại trường vì mức khen thưởng theo quy định chung khá thấp. "Tuy nhiên việc nâng mức khen thưởng là hợp lý, khuyến khích các trường và hơn hết là động viên thầy cô giáo, các em HS" - ông Thạch nhìn nhận.
 
Theo ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), trường ở tốp đầu TP - phải dùng đúng từ là hiện nay các trường phải "dụ dỗ" thì cám em mới chịu vào đội tuyển HS giỏi. Ông Nghi cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi gặp nhiều khó khăn không chỉ do mức khen thưởng thấp. Trước đây, việc trúng tuyển vào ĐH còn khó khăn, những HS giỏi được tuyển thẳng thì các em còn hào hứng. Còn hiện nay, việc trúng tuyển vào ĐH quá dễ dàng, dễ hơn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong khi đó việc đào tạo HS giỏi, mang tính chuyên sâu tốn nhiều thời gian, phải đầu tư nên HS không thiết tha. "Trường chúng tôi phải xây dựng quy chế khen thưởng riêng dù mức thưởng của trường công cũng không đáng bao nhiêu; phải động viên các em về cái hay, cái đẹp của môn học thì HS mới chịu tham dự. Đó là chưa kể, nhiều em phải giấu phụ huynh tham dự vì phụ huynh không muốn con mình tốn công sức đi thi" - ông Nghi nêu thực tế. Theo ông Nghi, công sức một GV bồi dưỡng ròng rã một năm trời cũng chỉ được 3 triệu đồng thì không GV nào hào hứng.
 
Cô Th.H, GV môn địa lý một trường THPT tại quận Bình Thạnh, cho biết vì mục tiêu chỉ cần vào ĐH mà vào ĐH hiện nay đã quá dễ, mỗi em có thể đăng ký tới 20 nguyện vọng, nên chuyện HS bỏ công sức, thời gian để học thêm và đi thi HS giỏi là chuyện không còn hấp dẫn. Phụ huynh lo ngại HS sẽ sao nhãng các môn học khác khi đi thi HS giỏi nên cấm cản. "Nhiều GV, nhất là các môn sử, địa phải dùng đủ cách để "năn nỉ" các em tham gia. Rồi thuyết phục phụ huynh đồng ý cho các em đi học bồi dưỡng" - cô H. nói. 
 
Băn khoăn về công nhận HS giỏi cấp tỉnh
 
Vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh công nhận một số HS đạt 6.5 IELTS là HS giỏi cấp tỉnh đã nảy sinh những tranh cãi trái chiều. Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng nếu phiên theo khung tham chiếu của Bộ GD-ĐT thì các em đạt chuẩn C1; IELTS lại tập trung tuyệt đối 4 kỹ năng, nếu đem lên "cân" thì rõ ràng IELTS có giá trị toàn cầu. Như vậy, việc công nhận là hợp lý. Trong khi đó, theo ông Hà Hữu Thạch, nếu đã là HS giỏi cấp tỉnh thì phải theo tiêu chuẩn nào chứ không thể chỉ giỏi mình tiếng Anh là được công nhận.
 
Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III