Học sinh Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy đến tìm hiểu nhà bia tại địa phương.
Cách nhắc nhở hiệu quả
Mỗi năm học, các trường trên địa bàn tỉnh lại rộn ràng tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm về những địa chỉ đỏ để học sinh có cơ hội tìm hiểu các di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh. Thầy Nguyễn Văn Mon Anh, Giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Cùng với việc dạy văn hóa, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hàng năm nhà trường đều tổ chức hoạt động về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động, giúp các em học sinh tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Do số lượng học sinh của trường khá đông, nên các hoạt động về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ thường được tập trung tổ chức cho học sinh khối 6 tham gia. Trước đây, nhà trường tổ chức cho học sinh đến thăm các địa điểm như: Đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ), Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp)… Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, các điểm đến thường tập trung tại các nhà bia trên địa bàn. Em Huỳnh Gia Bảo, học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Quốc Trị, tâm sự: “Trong các buổi tham quan thực tế tại các di tích lịch sử, ngoài được rèn luyện các kỹ năng cơ bản, thông qua các hoạt động này, chúng em còn được bồi đắp thêm tình yêu đối với môn lịch sử. Riêng em cảm thấy thêm yêu quý và tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta”.
Là trường ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống được Trường Tiểu học Xà Phiên 1, huyện Long Mỹ, tổ chức thường xuyên... Thầy Nguyễn Thanh Phương, giáo viên Tổng phụ trách đội của trường, cho biết: “Ngoài cho các em tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, tại các địa điểm đến, học sinh còn được giáo dục về truyền thống đấu tranh của dân tộc trong các cuộc kháng chiến. Bên cạnh đó, được tham gia các trò chơi dân gian tổ chức ngoài trời như: múa hát tập thể, kể chuyện, các trò chơi dân gian… Do điều kiện đi lại cũng khó khăn, nên mỗi năm học trường chỉ tổ chức được một lần cho học sinh về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ”.
Nuôi dưỡng tình yêu quê hương
Nhận thấy việc giáo dục truyền thống thông qua các buổi thăm quan thực tế, sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội tìm hiểu, mở mang kiến thức lịch sử. Cô Nguyễn Thị Thu Yến, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Văn Quy, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trong những năm qua, nhà trường luôn có kế hoạch cụ thể về việc lồng ghép nội dung liên quan đến di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, trường còn tích cực tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích trong và ngoài địa phương để tạo hứng thú học tập cho các em, từ đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”.
Giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường là một trong những nội dung quan trọng được các liên đội trường học trên địa bàn tỉnh ưu tiên hàng đầu. Bằng những hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh được học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử.
Theo Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn, hàng năm 100% các liên đội đều triển khai các hoạt động giáo dục nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm lịch sử truyền thống của Đảng, Đoàn, Đội... Cùng với đó, giúp các em mở mang kiến thức và tiếp cận gần hơn với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương. Hình thức tham quan trải nghiệm thực tế được nhiều em học sinh ưa thích hơn.
Một số địa danh được liên đội các trường học thường đến tham quan, tìm hiểu tiêu biểu như: Đền thờ Bác Hồ, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, Chiến thắng Tầm Vu, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu…
Bằng hình thức tổ chức những chuyến tham quan trải nghiệm thiết thực vừa học tập, vừa vui chơi, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường đã trở nên gần gũi và sinh động hơn với các em học sinh. Qua đó, giúp các em học sinh nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, được phát triển toàn diện.
100% các liên đội đều triển khai các hoạt động giáo dục nhằm giúp các em học sinh hiểu thêm lịch sử truyền thống của Đảng, Đoàn, Đội... Cùng với đó, giúp các em mở mang kiến thức và tiếp cận gần hơn với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương. Hình thức tham quan trải nghiệm thực tế được nhiều em học sinh ưa thích hơn.
|
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)