Dạy trẻ lòng yêu nước qua những di tích hào hùng

Thứ sáu, 29 Tháng 1 2021 07:16 (GMT+7)
Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh Vĩnh Long tổ chức cho các em học sinh tham quan, học hỏi tại các khu di tích nhằm tạo không khí học tập sinh động vừa giáo dục các em lòng yêu nước. Háo hức là tâm lý chung của các em học sinh, đặc biệt là các em mẫu giáo, tiểu học khi được trường cho tham quan các khu tưởng niệm, di tích lịch sử.
Học sinh lớp 1, 2, 3 Trường Tiểu học Chu Văn An thắp hương cho cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Học sinh lớp 1, 2, 3 Trường Tiểu học Chu Văn An thắp hương cho cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
 
Tiết học sinh động
 
Không phải là những câu chuyện kể khô khan về một nhân vật hay địa danh nào đó mà là “mục sở thị” địa điểm và con người. Nhờ đó, những buổi ngoại khóa nho nhỏ ở các khu lưu niệm, di tích lịch sử thật sự hấp dẫn các em bởi sự mới lạ, những hình ảnh và thông tin mới.
 
Đó có thể là những bài học mà các em không bao giờ quên về cuộc sống, con người hay tình yêu quê hương đất nước.
 
Vừa bước từ xe buýt đến Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, các bạn lớp lá Trường Mầm non thực hành Măng Non 9 đã chạy ù đến xem những chiếc máy bay, xe tăng,… được trưng bày.
 
Một vài bé nói về chiếc máy bay và đi xung quanh xem xét trong khi số khác đi xung quanh xem hình ảnh,…
Các bé nhiệt tình tham gia trả lời các câu hỏi của cô thuyết minh.
Các bé nhiệt tình tham gia trả lời các câu hỏi của cô thuyết minh.
 
Khánh Quỳnh (lớp Lá 2) và các bạn đang đứng cạnh khẩu súng thần công, tự tin làm duyên khi chúng tôi giơ ống kính ghi hình. Quỳnh nói: “Con chưa được đi bảo tàng chơi lần nào, con rất thích vì con được đi xe buýt cùng các bạn nè, được xem máy bay, xe tăng hồi xưa như thế nào,…”.
 
Sau đó, các bé được tập hợp xếp hàng ngay ngắn để chuẩn bị cùng cô giáo tham quan bảo tàng. Có thể, không hiểu sâu về địa điểm mình đi như các học sinh lớn tuổi hơn nhưng các em nhỏ thường thích thú và tò mò hơn.
 
Tiếng cười, giọng nói và những ánh mắt trong veo vừa nghe vừa nhìn chăm chú theo từng cử chỉ của cô thuyết minh thật dễ thương làm sao.
 
Bé Bảo Trân, Thu Hà (lớp Lá) thích thú khi được tham quan, chụp hình cùng nhau và chơi các trò chơi vận động. Bảo Trân nói: “Con được đi bảo tàng với ba mẹ rồi nhưng chỉ đi coi thôi chớ không nghe cô hướng dẫn và không có các bạn cùng đi nữa. Con được chơi các trò chơi tại đây, con rất thích”.
Các bé tạo dáng bên khẩu súng thần công.
Các bé tạo dáng bên khẩu súng thần công.
 
Cô Hiệu trưởng Võ Thị Hồng Phơi- Trường Mầm non thực hành Măng Non 9- cho biết: “Những năm qua, nhà trường luôn có kế hoạch cụ thể cho học sinh đi tham quan các di sản trong và ngoài địa phương để tạo hứng thú cho các em, từ đó giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc”.
 
Giáo dục tình yêu nước từ những điều rất nhỏ
 
Được “tai nghe mắt thấy”, tiết học sẽ không còn là tiết học nữa mà vẫn đi vào lòng học sinh. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp các em thêm yêu quê hương, ngưỡng mộ những người có công với đất nước; thêm hiểu biết, rèn luyện kỹ năng sống;…
 
Những học trò nhỏ khi nghe cô kể về chiến tích của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng hay cách GS. VS. Trần Đại Nghĩa bắn rơi máy bay B52 đã “ồ” lên thán phục. Có những học sinh đã hình thành được lòng yêu nước từ độ tuổi lên 5 lên 6 đó.
 
Bé Nguyễn Phong Phú (lớp 1, Trường Tiểu học Chu Văn An) khoe: “Lớn lên con muốn làm chú công an hoặc bộ đội”.
 
Vì năm học lớp lá, Phú được trường mầm non cho tham quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và khi xem “các chú bộ đội tập võ” đã mê tít. Giờ đây, được nghe nói bác Hai Phạm Hùng là công an, Phú cũng thích làm công an vì “con muốn bảo vệ Tổ quốc, bắt cướp giúp mọi người”.
 
Đối với những chuyến tham quan của học sinh nhỏ tuổi, cô giáo cũng như người thuyết minh sẽ trình bày đơn giản theo khả năng hiểu biết của các em để tránh nhàm chán. Nhờ đó, tuy thời gian tham quan không nhiều nhưng luôn để lại ấn tượng cho các em.
 
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung- giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An- cho biết: “Mỗi năm trường đều tổ chức cho các em học sinh tham quan di tích lịch sử. Các địa điểm sẽ được luân phiên theo từng năm không trùng lặp để các em thấy mới lạ. Khối 1, 2, 3 đi cùng 1 điểm và khối 4, 5 sẽ đi một
điểm khác”.
 
Cùng với việc dạy chữ, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha; hàng năm, các trường học thường tổ chức cho học sinh tham quan, học tập vui chơi ở các khu di tích. Phương pháp này nhẹ nhàng nhưng hữu hiệu và hấp dẫn nuôi dưỡng những con người có nhân cách đẹp trong tương lai.
 
Giáo dục truyền thống lịch sử là một trong những nội dung quan trọng được các trường học thực hiện. Bằng những hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của từng trường, lứa tuổi của học sinh cũng như tình hình thực tế tại địa phương, nhiều trường học đã tổ chức cho các em học sinh được học tập, tham quan thực tế tại các địa danh, di tích lịch sử.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III