Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh

Thứ tư, 17 Tháng 2 2021 07:41 (GMT+7)
Thời gian đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giáo viên và học sinh còn bỡ ngỡ thì đến nay sau một học kỳ, giáo viên đã nắm vững nội dung chương trình, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất; học sinh thích nghi và bắt nhịp với chương trình.
Cô giáo và học sinh lớp 1 Trường tiểu học xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (Hà Nam) trong giờ học tiếng Việt.
 
Một giờ học của cô giáo Trần Thị Lan và học sinh lớp 1E, Trường tiểu học xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân (Hà Nam) được bắt đầu bằng hoạt động khởi động tại chỗ để giúp học sinh hứng khởi khi bắt đầu một ngày học mới. Cô giáo Lan chia sẻ: Kết thúc học kỳ I năm học 2020 - 2021, 34 học sinh trong lớp đã hoàn thành được yêu cầu chung của chương trình và sách giáo khoa mới đề ra. Mặc dù một số học sinh còn đọc chậm, nhưng mỗi ngày vào cuối giờ, giáo viên dành khoảng 15 phút để tăng cường luyện đọc, cùng với đó là phối hợp với cha mẹ học sinh để giúp con nhanh tiến bộ. So sánh việc giảng dạy chương trình, sách giáo khoa trước đây với chương trình GDPT mới, cô Lan cho biết học sinh được tự khám phá nhiều hơn, giờ học không còn đơn điệu nữa, thay vào đó không khí lớp lúc nào cũng sôi nổi. Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Nhân Thịnh Phạm Thị Thu Hiền cho biết: Do làm tốt công tác tiếp cận chương trình GDPT mới cho nên giáo viên lớp 1 của trường đã thực hiện khá tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Giáo viên đã linh hoạt chủ động trong thực hiện phương pháp, nội dung chương trình; thực hiện tốt việc chuyển từ dạy học cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, tăng cường các hoạt động trải nghiệm theo đúng yêu cầu của chương trình. Nhờ đó, kết quả chất lượng kiểm tra định kỳ học kỳ I ở môn tiếng Việt đạt 100%, môn Toán đạt 95%, đây là con số ấn tượng tạo động lực cho giáo viên và học sinh bước vào học kỳ II đạt hiệu quả cao nhất.
 
 Nhiều giáo viên thừa nhận thời gian đầu tiếp cận chương trình GDPT mới, học sinh còn bỡ ngỡ vì do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Học sinh mầm non phải nghỉ học dài ngày khiến trẻ không nhớ bảng chữ cái. Bên cạnh đó, các trường tiểu học cũng không có thời gian chuyển tiếp để học sinh lớp 1 làm quen với môi trường học tập cho nên giáo viên và học sinh rất vất vả trong vài tuần đầu. Cô giáo Chu Thị Huyền, Trường tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình GDPT mới có những bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng kết thúc học kỳ I, các em học sinh lớp 1 đã mạnh dạn và tự tin trong phát biểu ý kiến, đọc thông, viết thạo. Bước vào tuần đầu tiên của học kỳ II, các em đã đọc hiểu, suy nghĩ để trả lời được những nội dung của văn bản, viết ra được câu trả lời. Ở chương trình GDPT mới, học sinh đã được tiếp cận học vần và văn bản rất sớm. Chính vì vậy, việc hiểu văn bản sẽ giúp các em hứng thú với bài học hơn. Có con học lớp 1, thời gian đầu chị Lý Mai Linh quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) không khỏi lo lắng vì đây là năm đầu triển khai chương trình: “Mấy tuần đầu, tôi dành toàn bộ thời gian buổi tối để đồng hành cùng con. Thời gian đầu, cả mẹ và con đều vất vả vì con chưa nhớ được âm, vần. Nhưng kết thúc học kỳ I, nhìn bảng kết quả các môn học cô giáo thông báo, nghe con đọc truyện, viết được đoạn dài, làm các bài toán tốt, tôi đã hoàn toàn yên tâm”.
 
 Thực tế cho thấy, những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới của giáo viên và học sinh đã được tháo gỡ kịp thời. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nam, Phạm Anh Tuấn đánh giá: Việc triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1 đã có những thành công nhất định. Các giáo viên đều đánh giá học sinh học tiến bộ hơn so với lứa học chương trình GDPT cũ, kể cả ở việc tiếp thu kiến thức và hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết khác. Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ, sau một học kỳ, chất lượng giáo dục ở lớp 1 đã có sự chuyển biến tích cực, giáo viên hào hứng thực hiện chương trình thay vì còn những lo lắng, băn khoăn như thời kỳ đầu triển khai. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh là chủ trương lớn, với nhiều đổi mới từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Vì vậy đội ngũ giáo viên phổ thông cần tự bồi dưỡng và được tham gia các lớp tập huấn để hiểu sâu, nắm chắc và linh hoạt thực hiện hiệu quả chương trình. Đồng thời, các địa phương, nhà trường và từng giáo viên nêu cao nhận thức, trách nhiệm và tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đội ngũ để thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Bên cạnh đó, để tạo động lực cho giáo viên trong quá trình triển khai nhiệm vụ chương trình GDPT mới, các nhà trường phải giảm áp lực, giảm sổ sách… trong quá trình giáo viên dạy học; chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường. Trong đó, chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên, coi đây là bài toán gốc trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình. Đồng thời, quan tâm đầu tư mua sắm các thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu chuyên môn, chất lượng trường chuẩn quốc gia.
 
QUỲNH NGUYỄN và NGUYỄN KHÔI - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III