Xây dựng chuỗi hoạt động
Bắt đầu tiết học tập làm văn lớp 8 ôn tập về luận điểm của thầy Võ Kim Bảo, giáo viên văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) học sinh được tham gia vòng đầu tiên của trò chơi "Đường lên đỉnh núi". Thầy Bảo phát cho mỗi học sinh một cây cờ hiệu, khi câu hỏi được thầy đưa ra các em sẽ giơ cờ để dành quyền trả lời. Đến vòng hai, học sinh được chia thành nhóm nhỏ để phân tích văn bản, viết ra giấy và lên bản trình bày, thầy sẽ chấm điểm dựa vào tốc độ làm bài, độ chính xác và phong cách thuyết trình. Vòng cuối cùng, học sinh từng nhóm thảo luận rồi làm ra sản phẩm cụ thể, viết một đoạn văn ngắn 5-6 dòng đảm bảo yêu cầu của bài học. Sau ba vòng thi, thầy Bảo chấm điểm và tuyên dương nhóm, cá nhân có điểm cao nhất.
Theo thầy Bảo, thay vì thiết kế bài giảng thành ba phần như cách truyền thống, giáo viên có thể thiết kế bài học thành ba hoạt động được thực hiện trong một trò chơi xuyên suốt. Như vậy, học sinh sẽ thích thú với bài học hơn, kích thích sự sáng tạo. Nhưng giáo viên không nên tổ chức những trò chơi rời rạc, mà cần có sự liên kết giữa các hoạt động. Ví dụ, vòng đầu tiên sẽ giúp các em ôn tập kiến thức cũ, vòng hai hình thành kiến thức mới và vòng ba các em sẽ đúc kết lại kiến thức mới.
Thầy Bảo cho biết đối với tiết dạy thông thường, giáo viên lên lớp chỉ có giảng bài, đặt câu hỏi học sinh trả lời rồi cho các em thảo luận một câu hỏi và đứng lên trình bày. Nhưng đối với thiết kế chuỗi hoạt động, giáo viên sẽ làm việc ít lại, giao công việc từ tiết trước để học sinh chuẩn bị bài. Suốt buổi học, trên bảng không hẳn là bài học hết mà là những mệnh lệnh, yêu cầu, chuỗi hoạt động hôm đó. Có những tiết dạy giáo viên sẽ đặt tên trò chơi, gọi tên tiết học khác, tổ chức khác đi một chút các em sẽ thích thú hơn.
"Cùng một chương trình học có nhiều phương pháp để dạy, vấn đề là thầy cô phải đổi mới và tư duy khác. Như vậy, sẽ giúp bước chuyển giáo dục được nhanh chóng và hiệu quả hơn. Học sinh không bị áp lực, hứng thú hơn trong bài học, từ đó chất lượng giải bài của các em nhanh hơn và chính xác hơn" – thầy Bảo cho hay.
Đối với thầy Võ Kim Bảo, phương pháp dạy học là vấn đề trọng tâm nhất trong chương trình học, có nhiều em không muốn học nhưng nhờ giáo viên đổi mới cách dạy học sinh thấy mọi việc dễ dàng và yêu thích môn học hơn.
Thầy Võ Kim Bảo thực hiện tiết dạy học sáng tạo. Ảnh: Bảo Võ
Môn lịch sử là môn học được nhiều học sinh đánh giá "khó nuốt" và không có nhiều hứng thú, nhưng đối với học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5) lại là môn học yêu thích. Bởi thầy Phạm Duy, giáo viên nhà trường đã có nhiều phương pháp dạy sáng tạo, khơi gợi niềm yêu thích lịch sử dân tộc cho học sinh.
Thầy Phạm Duy chia sẻ, trường hay có những chuyên đề sinh hoạt, và nhiều lễ truyền thống giáo viên sẽ kết hợp với những ngày đó để dạy thực tế môn lịch sử. Đồng thời, thầy cũng tổ chức những hoạt động như về nguồn, đưa các em đến một số di tích gắn liền với lịch sử.
Từ đầu năm học, thầy Duy đã xây dựng phương pháp cho môn học, chia thành những đề tài lịch sử thành nhiều dự án giao cho học sinh. Trong quá trình học, các em tự xây dựng từng bước cho dự án, đến gần cuối học kỳ sẽ báo cáo và thầy chấm điểm. Qua cách thực hiện dự án, học sinh sẽ được trải nghiệm, sáng tạo, tìm kiếm và chắc lọc thông tin để hoàn thành dự án. Học sinh sẽ chủ động học thêm nhiều kiến thức mới và cảm nhận dự án của mình phát triển từng ngày.
"Khi đưa ra dự án, chính người giáo viên cũng phải thay đổi tư duy và sáng tạo hơn trong từng tiết học. Qua những hình thức dạy học mới, các em sẽ dễ tiếp cận bài học, lượng kiến thức cũng không quá nặng nề và làm rõ nét hơn bước chuyển tích cực của giáo dục" – thầy Duy cho biết.
Học sinh tham gia hoạt động nhóm trong tiết học sáng tạo. Ảnh: Bảo Võ
Cần sự đồng bộ
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), sau những tiết học sáng tạo học sinh sẽ hình thành được những kỹ năng như: làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện, hùng biện, thể hiện chính mình… Việc sử dụng thí nghiệm, diễn kịch, làm việc nhóm, thuyết trình, nghiên cứu khoa học, đi trải nghiệm ngoài nhà trường...làm cho môn học gần với cuộc sống, đây cũng chính là nhân tố khơi nguồn sáng tạo cho cả thầy và trò.
Nhưng tính đồng bộ khó khả thi, vì đời sống kinh tế, văn hóa vùng miền, chế độ đãi ngộ hiện nay làm cho người thầy chưa an tâm, toàn tâm cho mỗi việc dạy. Mặc khác, hạ tầng cơ sở là rào cản lớn nhất cho sự đổi mới, nhất là "số hóa trong giáo dục".
Bên cạnh đó, sự sáng tạo của thầy cô mang tính tự phát nhiều hơn và tập trung ở những trường có điều kiện, ở trung tâm TP. Nhiều giáo viên không dám vượt rào, không dám sáng tạo… vì sợ bị kỷ luật, họ cô đơn, chơi vơi trước búa rìu dư luận thôi đành theo "đường xưa lối cũ cho an phận".
"Trong thời đại mới, giáo viên cần sáng tạo trong từng tiết dạy nhưng cần người đầu tàu là chỗ dựa cho tập thể thầy cô, là nguồn cảm hứng thúc đẩy sáng tạo của một đơn vị. Chúng ta phải định hướng, bồi dưỡng sâu, rộng và đầu tư đúng vào cụ thể từng nhóm giáo viên" – thầy Phú nhận định.
Không đánh giá tiết học chỉ dựa trên nội dung
Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng đối với tiết học được dạy theo phương pháp sáng tạo không thể đánh giá qua nội dung bài học. Bởi, sáng tạo là sự phong phú, sử dụng nhiều thành tố để hình thành khiến bài học hấp dẫn, từ công nghệ đến cách tổ chức hoạt động. Nên người đánh giá tiết học phải có cái nhìn sáng tạo, tầm nhìn mới, không đè nặng về kiến thức giáo khoa trong bài học đó.
Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)