Đừng để thư viện trường học tồn tại như một loại hình cần phải có !

Thứ năm, 11 Tháng 3 2021 07:17 (GMT+7)
Ở một số trường, thư viện vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức, nên hoạt động tại các thư viện chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập.
Với số lượng học sinh khá đông, thư viện Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, chưa đáp ứng được nhu cầu cho học sinh.
 
Khó khăn
 
Nền gạch ẩm thấp, phòng có diện tích khá nhỏ chỉ đáp ứng nhu cầu đọc sách cho khoảng 15 học sinh… đây là thực tế tại phòng thư viện - thiết bị của Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, thành phố Ngã Bảy. Ông Nguyễn Văn Em, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Cơ sở vật chất của trường, trong đó có phòng thư viện - thiết bị được đầu tư xây dựng khá lâu. Theo thời gian, phòng này đang trong tình trạng xuống cấp. Vì số lượng học sinh của trường cũng ít, nên thời gian qua, phòng thư viện - thiết bị của trường chỉ tạm đáp ứng được nhu cầu đọc sách, tìm kiếm tài liệu của học sinh và giáo viên thôi”.
 
Trường Tiểu học Nguyễn Hiền hiện có 249 học sinh đang theo học. Nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh và giáo viên, những năm qua trường chủ động bổ sung thêm nhiều loại sách, báo, tài liệu… Tính đến nay, tại thư viện có hơn 4.000 đầu sách các loại. Không riêng gì không gian dành cho thư viện, nơi để bảo quản trang thiết bị của nhà trường cũng rất nhỏ hẹp và đang trong tình trạng xuống cấp. “Ngoài khó về cơ sở vật chất, hiện tại phòng thư viện - thiết bị của trường cũng không có cán bộ chuyên trách. Từ năm 2018 đến nay, trường phải phân công giáo viên mỹ thuật kiêm nhiệm công tác thư viện”, ông Em chia sẻ thêm.
 
Để tránh lịch giảng dạy của giáo viên kiêm nhiệm, thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Hiền chỉ hoạt động vào các ngày thứ hai, thứ ba, thứ năm, những ngày còn lại phải đóng cửa. Trước khó khăn trên, Ban Giám hiệu nhà trường đã tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, xem xét đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị… để trường có đủ điều kiện tái công nhận chuẩn quốc gia theo lộ trình.
 
Còn tại thư viện Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, ngoài cơ sở vật chất xuống cấp, sách bố trí để phục vụ cho học sinh và giáo viên tham khảo cũng còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Trí Vàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Số lượng học sinh của trường trung bình từ 1.300-1.400 em/năm, nên cơ sở vật chất hiện tại của thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, vì không có cán bộ chuyên trách, chỉ có giáo viên bộ môn kiêm nhiệm công tác thư viện nên đôi lúc cũng gặp khó trong hoạt động”.
 
Hiện tại, các trường từ tiểu học đến THPT, mỗi trường đều có thư viện để phục vụ nhu cầu đọc sách, tìm kiếm tài liệu cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, thực tế công suất sử dụng thư viện ở trường học còn rất nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trong các trường học, nhiều cán bộ thư viện hiện nay chưa có chuyên môn đúng công việc phụ trách, đa phần là giáo viên kiêm nhiệm.
 
Sách và thư viện còn nhiều giá trị
 
Thầy Nguyễn Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc trong hệ thống thư viện tại các trường. Chính vì vậy, nhà trường luôn tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, mạnh thường quân trong và ngoài trường để dần hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị cũng như bổ sung thêm nhiều đầu sách cho thư viện trường”.
 
Để đáp ứng nhu cầu đọc sách cho hơn 900 học sinh/năm học, Trường Tiểu học Tân Long 1 đã tích cực đầu tư, vận động xã hội hóa để cải thiện cơ sở vật chất thư viện. Đến nay, thư viện nhà trường đã có thể cung cấp khoảng 9.832 loại sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nghiệp vụ, các tài liệu khác và 1.357 loại sách báo, tạp chí phục vụ quá trình giảng dạy, học tập trong phạm vi nhà trường. “Hiện mỗi khối lớp của trường được sắp lịch đến thư viện theo các ngày cố định trong tuần. Tuy nhiên, học sinh từ khối 2 đến khối 5 đến thư viện nhiều hơn, còn các em lớp 1 phần lớn chưa biết nhiều chữ nên ít đến”, ông Dương bộc bạch.
 
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành, cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống thư viện trong phát triển giáo dục, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường chủ động trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện. Trong đó, không để thư viện tồn tại như một loại hình cần phải có, hoạt động kém hiệu quả, không hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy và học tập trong nhà trường”.
 
Để khuyến khích học sinh tìm đến kho sách của thư viện để tham khảo, tìm kiếm tài liệu, các trường tổ chức nhiều hội thi, phong trào nhằm khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh. Theo chia sẻ của các trường, nhu cầu đọc sách tại thư viện của học sinh hiện nay nếu so với trước đây thì không bằng, vì bây giờ, chỉ cần lên Google, bằng một cú click chuột, các em có thể tìm và đọc những thông tin một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sách vẫn có những giá trị cốt lõi và căn bản để bổ sung tri thức cho học sinh, bởi vậy quan tâm đúng mức cho thư viện trường học là điều cần làm và nên làm!
 
Các trường từ tiểu học đến THPT, mỗi trường đều có thư viện. Tuy nhiên, thực tế công suất sử dụng thư viện ở trường học còn rất nhiều hạn chế. Nhiều cán bộ thư viện trường học hiện nay chưa có chuyên môn đúng công việc phụ trách, đa phần là giáo viên kiêm nhiệm…
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III