Thấy gì sau một học kỳ triển khai sách giáo khoa mới cho lớp 1 ?

Thứ tư, 17 Tháng 3 2021 07:15 (GMT+7)
Sau hơn một học kỳ triển khai thực hiện giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, thực hiện thí điểm đầu tiên dành cho khối lớp 1, dù còn những băn khoăn nhưng nhìn chung đã nhận được nhiều tín hiệu đáng mừng từ học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Giờ học tập của cô và trò Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ.
 
Có “sạn” nhưng không ít tín hiệu vui
 
Dừng bài giảng với các hoạt động nhóm khi cho lớp quan sát các trò chơi dân gian để rèn kỹ năng ghép vần, cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Bộ sách trường chọn dạy là bộ “Cánh diều”. Chương trình mới không khó nhưng bắt buộc giáo viên phải chủ động thay đổi phương pháp dạy của mình. Tôi soạn bài giảng từng ngày, tùy theo năng lực từng học sinh mà giảng dạy phù hợp. Tích hợp các hoạt động vui chơi, đố vui phù hợp thì giờ học với học sinh mới hiệu quả”.
 
Để giúp học sinh có kiến thức, chuyển từ âm vần sang kênh hình, nhà trường đã trang bị trong các lớp học thiết bị dạy học hỗ trợ như ti vi màn hình lớn, giới thiệu sách điện tử để phụ huynh hỗ trợ con em học tập, khai thác học liệu điện tử trong giảng dạy… Học sinh lớp 1, do vốn từ của các em chưa nhiều nên một số “sạn” ở môn tiếng Việt bộ sách “Cánh diều”, giáo viên không tập trung vào ý nghĩa ở một số câu chuyện ngụ ngôn trong sách nên không ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của các em.
 
Tại Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 1, huyện Châu Thành, với môn tiếng Việt lớp 1, ở đầu năm học, nhà trường đã giao quyền tự chủ cho giáo viên có thể điều chỉnh bài học trong bao nhiêu tiết, tùy vào nhận thức của học sinh. Với kỹ năng đọc đoạn, những học sinh đọc chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm rồi mới tới chữ, tiến tới đọc câu ngắn và có thể vừa đánh vần vừa đọc. Với kỹ năng viết, những học sinh viết chưa tốt, giáo viên chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp. Ông Huỳnh Văn Tôn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong các bộ môn học sẽ được nâng cao ở những tuần học sau. Điểm quan trọng là dạy đến đâu phải để học sinh học tốt đến đó”.
 
Làm tốt công tác chuẩn bị
 
Chương trình, sách giáo khoa mới đã khó, lại được triển khai nhanh trong bối cảnh thời gian dài trẻ không được đến trường mầm non do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với giáo viên không có 1 tuần đệm để rèn luyện nền nếp cho các em vào lớp 1 như những năm học trước nên vào năm học này, các thầy cô giáo khá vất vả. Ông Trần Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Tâm 1, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu giúp học sinh tiếp cận với phương pháp dạy mới, trực quan, sinh động, nhanh gọn, không rườm rà. Lần đầu tiên, hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường với mục đích giáo dục trẻ phát triển toàn diện. Chúng tôi mừng vì học sinh biết đọc, viết nhanh hơn”.
 
Để đảm bảo chất lượng của chương trình, học sinh khối lớp 1 được bố trí đảm bảo 100% dạy học 2 buổi/ngày, có 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc. Theo các giáo viên trực tiếp giảng dạy, chương trình năm nay khá hay và tăng số tiết luyện đọc, luyện viết.
 
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị trước khi bước vào năm học, nhất là khâu lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp nên với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà những điểm khó trở thành động lực để ngành chủ động, phát huy sức mạnh nội lực hơn. Các phòng giáo dục và đào tạo thực hiện nhiều mô hình hay như: mô hình “Sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1” của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, bảng hướng dẫn quy trình chọn sách giáo khoa của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp…
 
Ông Hồ Văn Bé Hai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh thì việc đảm bảo cơ sở vật chất, đầu tư, bổ sung trang thiết bị dạy và học được tỉnh tập trung thực hiện…”.
 
Hậu Giang đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn điểm phụ và các trường tiểu học có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường tiểu học có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố. Ngành còn được tỉnh bố trí nguồn kinh phí hàng chục tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học nhằm đảm bảo nhu cầu tối thiểu các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1.
 
Niềm tin
 
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai chương trình sách giáo khoa mới dành cho khối lớp 1 của cả thầy và trò đã được tháo gỡ kịp thời tạo những chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học. Không chỉ kiến thức, điều khiến chúng tôi và phụ huynh học sinh yên tâm hơn là sau một học kỳ, học sinh đến trường rất vui, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập. Từ tâm trạng lo lắng ban đầu, nay giáo viên và phụ huynh đều yên tâm, phấn khởi và có động lực tốt hơn để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình”.
 
Tập trung vào việc phát huy năng lực học tập cho học sinh trong học kỳ II này, cô Lê Thị Kim Hường, khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Đổi mới tư duy giảng dạy, coi sách giáo khoa chỉ là tài liệu (không bắt buộc phải dạy đúng theo sách giáo khoa như trước), giáo viên chúng tôi đã và đang linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với đối tượng học sinh. Dạy thế nào cũng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là tạo sự thoải mái trong học tập để học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực bản thân”.
 
Năng lực chuyên môn giáo viên được nâng cao rõ rệt, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đầu tư hiện đại, khang trang… nhờ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây thực sự là tín hiệu vui của ngành giáo dục và đào tạo khi đã nỗ lực, vượt khó để làm tốt giai đoạn đầu thí điểm Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nền tảng này sẽ là bước đệm quan trọng để chất lượng giáo dục bậc tiểu học ngày càng được nâng cao.
 
Làm kỹ, làm chắc, làm hiệu quả từng bước, từng giai đoạn
 
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: “Có như vậy khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp các trường yên tâm, đảm bảo tốt hơn cho công tác chọn sách và thực hiện tiếp chương trình mới ở các cấp học tiếp theo, nhất là đối với khối lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới. Các trường cần đánh giá lại chương trình sâu hơn, làm rõ những điểm khó, xem đâu là những hạn chế cần phải khắc phục của chương trình để học kỳ II này hỗ trợ học sinh học tập tốt hơn nữa”.
 
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 156 trường tiểu học và 1 trường dạy trẻ khuyết tật, so với năm học trước giảm 6 trường, với tổng số 2.401 lớp, 67.066 học sinh. Thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, thực hiện thí điểm đầu tiên dành cho khối lớp 1, tỉnh đã chọn 3 bộ sách giáo khoa để giảng dạy khối lớp 1 là: bộ sách “Cánh diều”, “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III