Khơi nguồn sáng tạo trong học sinh

Thứ sáu, 04 Tháng 6 2021 08:34 (GMT+7)
Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hậu Giang lần thứ XVIII năm nay vừa diễn ra với 2 nội dung: kỹ năng lập trình và sản phẩm sáng tạo. Trong đó, phần thi sản phẩm sáng tạo dành cho học sinh THCS và THPT đã ghi nhận nhiều sản phẩm dự thi ấn tượng.
Các thí sinh giới thiệu sản phẩm sáng tạo được chạy trên ứng dụng do các em thiết kế.
 
Nhiều sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tế
 
Hội thi năm nay thu hút 136 thí sinh là học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các thí sinh tham gia phần thi lập trình, có 66 thí sinh dự thi với 36 sản phẩm sáng tạo. Hầu hết các sản phẩm năm nay đều xuất phát từ nhu cầu thực tế đời sống.
 
 Với sản phẩm dự thi “Máy thu vỏ chai nhựa ứng dụng công nghệ IoT”, em Nguyễn Trần Như Ngọc, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, cho biết: “Ý tưởng của sản phẩm xuất phát từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại trường. Mỗi lần nhận chai nhựa từ các lớp, em thấy các thầy cô phải thống kê rất vất vả và mất thời gian. Em làm ra chiếc máy này để giúp các thầy, cô tiết kiệm thời gian và dễ dàng quản lý số chai của mỗi lớp”.
 
Xuất phát từ một vấn đề rất thời sự là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhóm học sinh Phạm Gia Huy, Nguyễn Triệu Dũy đến từ Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, đã chế tạo ra “Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động không tiếp xúc”. Tuy ý tưởng này không quá mới lạ nhưng lại rất thiết thực, đáng chú ý là chiếc máy này được tinh gọn lại và có kết cấu đơn giản, được làm từ những nguyên liệu tái sử dụng.
 
Các em học sinh cũng rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do đó, các sản phẩm sáng tạo phục vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong kỳ thi năm nay, như “Quản lý sâu rầy trên ruộng lúa bằng công nghệ IoT”, “Hệ thống cân và xử lý dữ liệu nông sản sau thu hoạch”, “Máy ấp trứng cá thát lát ứng dụng công nghệ IoT”, “Máy ươm ba ba giống công nghệ IoT”…
 
Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm bắt nguồn từ thực tế sinh hoạt như “Hệ thống thông minh, cảnh báo cháy và rò rỉ khí gas”, “Hệ thống khóa chống trộm thời 4.0”, “Máy quản lý học sinh trên xe”… Tất cả đã thể hiện khả năng quan sát, phát hiện và mong muốn tham gia giải quyết vấn đề của các em học sinh.
 
Khả năng ứng dụng cao
 
Theo bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Các sản phẩm sáng tạo tham dự hội thi năm nay được thiết kế dựa vào việc sử dụng các công nghệ mới như: kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, được thiết kế cho các mục đích thiết thực, phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý,...”. Do đó, khi chế tạo sản phẩm, các nhóm thí sinh đã rất quan tâm đến khả năng ứng dụng và hiệu quả thực mà sản phẩm mang lại.
 
 Trước khi đến với cuộc thi, sản phẩm “Hệ thống cân và xử lý dữ liệu nông sản sau thu hoạch” của nhóm thí sinh đến từ Trường THPT chuyên Vị Thanh đã tiến hành thực nghiệm tại hộ nông dân ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ. Với một bộ sản phẩm gồm cân điện tử, bộ xử lý số liệu và máy tính, sản phẩm được kỳ vọng sẽ giúp người nông dân cập nhật nhanh chóng, chính xác các thông tin về nông sản sau thu hoạch.
 
Trong khi đó, sản phẩm “Máy ấp trứng cá thát lát ứng dụng công nghệ IoT” của nhóm học sinh đến từ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam cũng được đánh giá cao về khả năng ứng dụng. Thầy Tôn Phước Nguyên, giáo viên hướng dẫn của nhóm, cho biết: “Để thực hiện sản phẩm này, các em đã có quá trình quan sát thực tế tại hộ nông dân và thiết kế cho phù hợp. Qua thử nghiệm và điều chỉnh nhiều lần, sản phẩm được người nông dân đánh giá về khả năng ứng dụng phù hợp với sản xuất”.
 
Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm cho thấy triển vọng phát triển để sử dụng rộng rãi. Có thể thấy, Hội thi Tin học trẻ hàng năm là một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các em học sinh có cơ hội học hỏi, tìm tòi, sáng tạo. Từ đó, góp phần giúp các em khẳng định được vai trò “chủ nhân tương lai của đất nước”.
 
Sắp tới, Ban tổ chức hội thi sẽ lựa chọn 6 thí sinh xuất sắc nhất ở phần thi lập trình (2 học sinh tiểu học, 2 học sinh THCS, 2 học sinh THPT) và 14 sản phẩm sáng tạo (7 sản phẩm cấp THCS, 7 sản phẩm cấp THPT) với 33 thí sinh để tham dự Vòng sơ khảo phía Nam của Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXVII, dự kiến diễn ra vào ngày 17-6-2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: ĐANG THƯ - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III