Dịp hè, nhiều phụ huynh chọn cho con mình tham gia các khóa học online, tự học qua mạng (Trong ảnh: Học sinh tự học tiếng Anh qua mạng).
Khi hè đến, chị Nguyễn Hải Uyên (ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều) có 2 con trai vừa học xong lớp 1 và lớp 2, dự định tìm khóa học hè ngoại ngữ và vẽ cho con, nhưng vì dịch bệnh đành phải cho các con tự học tại nhà. “Sau khi kết thúc năm học vợ chồng tôi đã chia thời gian trông con”. Chị Uyên cho biết để con có một mùa hè vui vẻ, an toàn, vợ chồng chị đều dành thời gian để đọc sách và vẽ tranh cùng con, hoặc xem hoạt hình mỗi tối. Vào những ngày cuối tuần, chị Uyên nấu nướng cùng các con, vừa gắn kết với gia đình vừa là cách giáo dục kỹ năng sống cho con.
Còn với gia đình anh chị Nguyễn Cường - Cẩm Tú (ở Khu dân cư Hồng Phát, quận Ninh Kiều), có 2 con gái học lớp 6 và lớp 7, hằng năm đều du lịch ngoài thành phố khoảng 1 tuần. Thế nhưng mùa hè 2 năm nay vợ chồng anh chị không đi xa. Sau khi kết thúc năm học 2020-2021, anh chị tranh thủ cho hai con về quê ngoại chơi cả tuần. Chị Cẩm Tú cho biết: “Sau chuyến về quê, vợ chồng tôi cho con gái đi học nhảy, nhưng hiện nay phải ngưng vì dịch COVID-19. Gia đình duy trì thói quen đánh cầu lông ở khoảng sân gần nhà, vừa giúp con vui chơi giải trí, vừa rèn luyện sức khỏe”.
Trong khi đó, việc cho con đi học bơi để có thêm kỹ năng sống của vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiên (ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) hiện phải tạm hoãn vì dịch bệnh. Anh Kiên nói: “Chờ tình hình COVID-19 thì việc học bơi của con trai tôi mới có thể tiếp tục; còn con gái đang tự học nâng cao đàn piano”. Nói đến ngày hè cho con, anh Kiên cho biết ở nhà để an toàn phòng tránh dịch bệnh, nhưng sợ hai con mê điện thoại, ti vi nên anh giao nhiệm vụ cho con gái mỗi ngày dành khoảng 30-40 phút học từ vựng tiếng Anh. Đồng thời, anh cũng tạo điều kiện cho 2 con học Tiếng Anh online.
Ngày hè về quê nội hoặc ngoại là phương án được nhiều gia đình lựa chọn để cho con, cháu thay đổi môi trường và thư giãn. Bà Nguyễn Thúy Lan ở Cờ Đỏ, có cháu nội trai đang học lớp 9, thường cho cháu về nhà ngoại ở tỉnh Kiên Giang vào dịp hè. Nhưng năm nay, bà Lan hạn chế cho cháu đi xa. Bà Lan nói: “Cháu tôi mới thi tuyển lớp 10 xong, nên cũng có lúc vui chơi cùng bạn bè. Tôi nhắc cháu hạn chế tụ tập đông người, ra ngoài mang khẩu trang để đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch”.
Mỗi gia đình đều có cách làm riêng phù hợp với hoàn cảnh và sở thích của trẻ trong mùa hè. Để các em vừa được vui chơi, vừa đảm bảo nhu cầu giao tiếp xã hội, phụ huynh có thể cho trẻ chơi nhóm nhỏ; vận động ngoài trời và luôn tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế. Trong thời gian nghỉ hè, cha mẹ, ông bà có thể cho con trẻ cùng làm những việc nhà để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa gắn kết tình thân trong gia đình. Dẫu vậy, một số gia đình băn khoăn thời gian nghỉ tại nhà dài ngày khó tránh khỏi việc trẻ mê điện thoại, ti-vi. Khi bàn về tác động của mạng xã hội đối với trẻ em, Ths Nguyễn Lệ Thủy, Chuyên gia giáo dục kỹ năng Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, cho rằng cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con khỏi “rác độc” trên không gian mạng. Phụ huynh phải có kiến thức về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn để giáo dục con nhận biết, loại bỏ nội dung độc hại trên thế giới ảo, giúp các con hình thành thói quen tích cực khi sử dụng internet, tuyệt đối không để con lạm dụng, sử dụng điện thoại quá nhiều.
* * *
So với những năm trước, các hoạt động hè ở Cần Thơ bị hạn chế nhiều do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng mỗi gia đình đều nỗ lực để các em học sinh có được những ngày hè ý nghĩa, đảm bảo an toàn sức khỏe, chuẩn bị tâm thế cho năm học mới.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình nhằm bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể trong công tác này đến các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an; cùng sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội.
Sự ra đời của chương trình đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, học tập kiến thức và kỹ năng của trẻ em hiện nay bị gián đoạn, phải sử dụng không gian mạng trong nhiều hoạt động.
|
Bài, ảnh: NG.NGÂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)