Giúp học sinh sử dụng Internet an toàn, hiệu quả

Thứ hai, 05 Tháng 7 2021 07:32 (GMT+7)
Dịp hè là thời gian học sinh vui chơi, giải trí, phát triển kỹ năng và năng khiếu, rèn luyện thể chất. Thế nhưng do dịch COVID-19, hè 2021 hầu hết các em phải ở nhà và sử dụng các phương tiện điện tử kết nối mạng Internet để giải trí cũng như tham gia các khóa học năng khiếu và kỹ năng online. Trao đổi với Báo Cần Thơ về những giải pháp để học sinh tham gia môi trường mạng một cách an toàn và hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ, cho biết:
- Do năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh không thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, văn hóa văn nghệ như mùa hè hằng năm. Chuyện các em giải trí và học tập qua mạng Internet trên các thiết bị điện tử, nhất là điện thoại và máy tính, là khó tránh khỏi. Ðể giúp học sinh có thêm kênh thông tin hữu ích trên môi trường mạng, ngành Giáo dục thành phố đang xây dựng mô hình giáo dục thông minh. Mô hình giúp các em ngoài học từ sách vở và nhà trường, còn có thể học tập từ các thông tin trên mạng Internet, giúp các em chủ động sáng tạo trong tìm tòi và học thêm kiến thức mới.
Sử dụng mạng internet đúng mục đích, giúp học sinh học tập, rèn luyện tốt hơn. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Bình Thủy đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: B.NG
 
Với các mạng xã hội, Sở GD&ÐT thành phố cũng có kế hoạch hướng dẫn học sinh sử dụng kênh thông tin này sao cho hữu ích, an toàn, tránh bị bao vây bởi thông tin độc hại cũng như bị bắt nạt trên không gian mạng. Mạng xã hội cũng là kênh thông tin hữu hiệu, nhanh nhạy, thuận tiện để giáo viên giao các bài tập vừa học vừa chơi vào mùa hè, giúp các em củng cố kiến thức; giới thiệu những website có thông tin giải trí lành mạnh, phù hợp lứa tuổi các em…
 
Tất nhiên, môi trường Internet nói chung hay mạng xã hội nói riêng vẫn có những mặt trái nếu học sinh không được hướng dẫn, tư vấn và đồng hành của phụ huynh, thầy cô. Thực tế trong xã hội đã có những trường hợp người trẻ tuổi vì bị ảnh hưởng của thông tin sai trái, bạo lực hay bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo các em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngành Giáo dục thành phố đã tuyên truyền vấn đề này đến nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh, để có sự phối hợp chặt giữa các bên nhằm đảm bảo học sinh được bảo vệ trước những tác động xấu, nhưng cũng đồng thời hưởng các lợi ích từ các thông tin và kiến thức được truyền tải vô hạn trên không gian mạng.
 
 Ðược biết hiện nay các trường phổ thông của thành phố có thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả định hướng của các tổ tư vấn này trong hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội?
 
- Tư vấn tâm lý có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của học sinh. Công tác tư vấn, định hướng, giáo dục, đạo đức lối sống, kỹ năng giúp học sinh hình thành những “bộ lọc” để biết phân định đúng - sai và hành động đúng đắn khi gặp những vấn đề trong học tập, cuộc sống cũng như trên môi trường mạng. Sở GD&ÐT thành phố rất quan tâm vấn đề này và đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học. Tổ có 2 hướng tư vấn. Một là định hướng chung cho tất cả học sinh theo độ tuổi, địa bàn khu vực, giúp các em cách học tập, phát triển bản thân, rèn luyện đạo đức lối sống phù hợp môi trường. Hai là tư vấn hỗ trợ, giải quyết tình huống cuộc sống, như những bức xúc của các em trong học tập, mối quan hệ bạn bè, cha mẹ, hoặc mối quan hệ xã hội, hay khi sử dụng Internet.
 
Tổ có nhiều hình thức tư vấn tâm lý đa dạng, phong phú. Thực ra từ nhiều năm trước, các trường đều có phòng tư vấn tâm lý, nhưng hiệu quả không cao vì học sinh ngại đến do lo sợ bạn bè nghĩ các em “có vấn đề” hoặc “đi méc” thầy cô. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các trường, ở mỗi lớp có nhóm zalo, nhóm chuyên tư vấn, học sinh có thể thông qua email, zalo để được tư vấn, định hướng trong học tập, sử dụng mạng xã hội... Từ đó học sinh trao đổi thoải mái với thầy cô vì thông tin được bảo mật. Kể cả trong thời gian nghỉ hè, các tổ tư vấn tâm lý vẫn hoạt động qua môi trường mạng và học sinh có thể trao đổi, chia sẻ mọi vấn đề. Nhờ vậy, thời gian qua tại TP Cần Thơ, những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức lối sống của học sinh đã giảm dần; tình trạng bạo lực hoặc xúc phạm nhau bằng ngôn ngữ trên mạng xã hội dần được khắc phục.
 
 Ông có lời khuyên gì với học sinh, phụ huynh khi trẻ tham gia không gian mạng?
 
- Trước tiên, các em học sinh cần nhận thức mạng xã hội là một trong những phương tiện thông tin phục vụ cho bản thân các em và đời sống hằng ngày. Qua các kênh của ngành, chúng tôi đã giới thiệu cho học sinh cách nhận diện các kênh thông tin chính thống để tham khảo và không chính thống cần phải tránh. Website của Sở GD&ÐT thành phố, fanpage Phòng Chính trị - Tư tưởng thuộc Sở có thông tin về những hoạt động nổi bật của học sinh, những thông báo hữu ích và thiết thực cho việc học tập cũng như rèn luyện của các em. Dịp hè năm nay, không thể tổ chức các hoạt động vui chơi trực tiếp cho học sinh, nên ngành phối hợp với một số đơn vị tổ chức các cuộc thi online, mà hiện nay là thi vẽ tranh trực tuyến...
 
Theo tôi, phụ huynh không nên cấm tuyệt đối việc các em sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội bởi vì đây là xu thế chung. Phụ huynh nên đồng hành, theo sát để giúp học sinh sử dụng mạng xã hội phục vụ việc học tập cũng như khai thác các lợi ích từ Internet. Trước mắt, phụ huynh phối hợp nhà trường hướng dẫn học sinh nhận diện và không truy cập website không lành mạnh; không chia sẻ thông tin sai trái. Có giải pháp theo dõi tế nhị, chặt chẽ xem các em truy cập vào trang nào, để kịp thời chấn chỉnh; cũng như có những giao ước với học sinh về thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhằm tránh bị quá tải và ảnh hưởng sức khỏe. Hướng dẫn học sinh lập thời khóa biểu sinh hoạt hằng ngày, chia thời gian hợp lý giữa tập thể dục, ôn tập và sử dụng mạng xã hội.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Ng.Ngân - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III