Cụ thể, thời kỳ 1992 - 2001 giảm 10 năm, tốc độ giảm 0,38%/năm; thời kỳ 2002 - 2011 tăng 10 năm, tốc độ tăng 24,04%/năm; thời kỳ 2012 - 2018 giảm 7 năm, tốc độ giảm 3,04%/năm.
Diễn biến khác lạ
Giá vàng bước vào thời kỳ tăng từ năm 2019 (tăng 16,23%) và 4 tháng đầu năm 2020 (tăng 12,4%). Tính chung 16 tháng qua đã tăng 30,64%, đây là tốc độ tăng khá cao. Tuy nhiên, trong 16 tháng qua cũng có tới 5 tháng giá vàng giảm. Giá vàng tăng hoặc giảm theo chu kỳ khá ngắn từ hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày.
Mua bán vàng tại một cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Giá vàng tăng giảm do xuất hiện phương thức đầu tư “lướt sóng”, điều ít xuất hiện trong các giai đoạn trước. Phương thức “lướt sóng” còn xuất hiện khi xuất hiện trạng thái “tiền mặt là ưu tiên”, có tính thanh khoản cao nhất trong kinh tế thị trường và trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng ra toàn thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giá vàng tăng, giảm không theo bất cứ một quy luật nào. Trước đây trên thế giới, biến động giữa giá vàng và giá USD thường ngược nhau. Khi giá USD tăng thì giá vàng giảm hoặc giá USD giảm, giá vàng tăng. Nhưng giai đoạn hiện nay, giá vàng tăng ngay cả khi giá USD tăng. Hay như khi giá cổ phiếu giảm, giá vàng tăng, hoặc giá cổ phiếu tăng giá vàng giảm; hiện nay giá vàng giảm khi giá cổ phiếu giảm, giá vàng tăng khi giá cổ phiếu tăng.
Nếu trước đây, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới (tính đổi theo tỷ giá VND/USD của ngân hàng) có lúc lên đến 10%, lúc bình thường cũng 5 - 6%, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 1 - 2%, tương đương với mức chi phí nhập khẩu, thuế phí, lợi nhuận,…). Điều đó chứng tỏ CPI tăng không cao (thậm chí trong 4 tháng qua đã giảm 3 tháng liền), tỷ giá VND/USD tăng không cao (tháng 4/2020 so với tháng 12/2019 mới tăng 0,95%) và tâm lý đầu cơ vàng không cao như trước.
Trước đây, mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua của các công ty kinh doanh vàng thường không lớn, nhưng nay mức chênh lệch khá lớn lên đến hàng triệu đồng/lượng. Chính diễn biến khác lạ của giá vàng hiện nay đã dẫn đến các dự đoán giá vàng khác nhau trong thời gian tới.
Vẫn có xu hướng tăng
Giá vàng trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm: Giá vàng thế giới; tỷ giá VND/USD; tâm lý đầu tư sử dụng của trong nước. Thực tế, việc sản xuất vàng trong nước không đáng kể, nguồn cung chủ yếu từ thế giới. Do đó, giá vàng trong nước chủ yếu phụ thuộc vào giá vàng thế giới.
Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do một lượng tiền khổng lồ lên đến hàng chục nghìn tỷ USD của nhiều nước đưa ra thị trường để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 và ngăn chặn sự suy thoái kinh tế…
Cùng với sự cắt giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0% của nhiều nước, trong đó Nhật Bản, châu Âu còn ở mức âm. Chỉ số trên thị trường chứng khoán tuy có lúc lên, nhưng nhìn chung là giảm, có nước giảm sâu. Do đó, đã có nhiều dự báo giá vàng thế giới sẽ tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể, Công ty Van Eck dự báo giá vàng tăng đến 2.000 USD/ounce trong 12 tháng tới; Bank of America dự báo giá vàng lên tới 3.000 USD/ounce trong 18 tháng tới; Commerzbank dự báo giá vàng sẽ là 1.800 USD/ounce vào cuối năm nay...
Trong nước, tỷ giá VND/USD trong mấy năm qua cơ bản ổn định (năm 2016 tăng 0,8%, 2017 giảm 0,05%, 2018 tăng 2,69%, 2019 giảm 0,77%).
Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2020 tăng 1,47%, trong đó riêng tháng 4 tăng 0,95%. Do đó có dự báo cả năm sẽ tăng 3%, cao nhất từ 2016 đến nay. Ngoài ra, tâm lý đầu cơ vàng trong nước những năm gần đây đã giảm, do lạm phát được kiểm soát, tỷ giá cơ bản ổn định. Tuy nhiên, với việc tốc độ tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm có xu hướng cao lên, do nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam phá giá mạnh đồng nội tệ, giá vàng có xu hướng tăng.
Hiện giá vàng thế giới là 1.700 USD/ounce, tỷ giá VND/USD là 23.500, thì giá vàng trong nước mua vào sẽ là 48,17 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng bán ra ở trong nước sẽ là 48,17 triệu đồng/lượng x 1,01 (tạm tính chi phí, thuế, lợi nhuận kinh doanh) = 48,65 triệu đồng/lượng. Giá này cao hơn giá bán ở trong nước (chứ không phải là thấp hơn như một số tính toán).
Với dự đoán giá vàng thế giới của một số chuyên gia là ở mức 2.000 USD trong năm nay, với tỷ giá VND/USD tăng 3% so với năm 2019 (năm 2019 bình quân là 23.286 VND/USD), thì năm 2020 giá bán vàng ở trong nước sẽ là 58,42 triệu đồng/lượng. Nếu dự báo giá vàng thế giới 3.000 USD/ounce giá trong nước sẽ là 80 - 83 triệu đồng/lượng (cao hơn dự báo trên 31,6 - 34,6 triệu đồng/lượng).
Nếu giá vàng ở mức “khủng” này sẽ tác động tới nhiều mặt của kinh tế Việt Nam. Một mặt, sẽ kéo một lượng tiền lớn của xã hội từ các kênh đầu tư “chôn” vào vàng, trong khi nhu cầu vốn cho 2 mặt trận (chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội) đang rất lớn. Mặt khác, sẽ kéo nhiều nhà đầu tư, đầu cơ lướt sóng hoặc người dân mua vàng theo phong trào, sẽ làm cho nhiều người bị thua thiệt gây tác hại lớn cho nền kinh tế.
Đức Minh - (kinhtedothi.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)