Chủ yếu biến động mạnh về giá
Mở đầu ngày giao dịch, các doanh nghiệp đồng loạt niêm yết giá vàng ở mức cao.
Lúc 9 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 51,85 triệu đồng/lượng; bán ra 52,98 triệu đồng/lượng; tăng tới 1,8 triệu đồng/lượng so hôm trước. Trong ngày, có thời điểm giá vàng SJC lên tới 53,3 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), xô đổ mọi kỷ lục từ trước đến nay.
Cuối ngày, giá vàng SJC được các doanh nghiệp giao dịch ở mức 52,1 triệu đồng/lượng mua vào; 53,05 triệu đồng/lượng bán ra; tăng gần 2 triệu đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng trang sức, vàng nhẫn trơn 24K các loại được niêm yết mua vào 51,2 triệu đồng/lượng; bán ra 52,1 triệu đồng/lượng; thấp hơn giá vàng SJC gần cả triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước không ngừng tăng, lập kỷ lục mới do ảnh hưởng từ giá thế giới. Kim loại quý trên sàn quốc tế cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong 9 năm qua (lên 1.857 USD/ounce, tăng khoảng 50 USD/ounce; tương đương mức tăng 1,4 triệu đồng/lượng).
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về vàng, phân tích chỉ trong 1 phiên, giá vàng tăng tới 50 USD/ounce là mức tăng mạnh trước các thông tin về việc Mỹ, EU sẽ tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế. Dù vậy, xu hướng của giá vàng tăng đã diễn ra thời gian qua, khi các dòng tiền trên thế giới đều dịch chuyển sang vàng; nhiều ngân hàng trung ương các nước cũng mua vàng vào.
Giá vàng tăng mạnh hiện tại chỉ một phần ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khi các nhà đầu tư rút tiền ra từ kênh đầu tư khác chuyển sang vàng để dự phòng như một kênh trú ẩn an toàn. Đồng thời, lý do khiến giá vàng tăng mạnh do chính sách nới lỏng kinh tế khiến lạm phát bắt đầu ở một số nước. Cụ thể, Mỹ và EU đang là nỗi lo lớn của các nhà đầu tư khi dòng tiền được bơm ra liên tục để cứu nền kinh tế bị tác động do dịch.
"Trong khoảng 3 tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bơm thêm ra thị trường khoảng 4.000 - 7.000 tỉ USD để cân đối nền kinh tế, chưa kể các dòng tiền khác đến từ Anh, Nhật hay các nước khác. Vàng chính là nơi trú ẩn an toàn nhất hiện nay của các nhà đầu tư" - ông Khánh nhận định.
Giá vàng tăng mạnh nhưng số khách đến các cửa hàng vàng vẫn như bình thườngẢnh: Tấn Thạnh
Về phiên giao dịch tăng tới 50 USD/ounce, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ, cho biết thông tin EU thông qua gói kích cầu khoảng 750 tỉ USD để hỗ trợ kinh tế khu vực này đã khiến nhà đầu tư tìm đến vàng, đẩy giá vàng tăng sốc.
Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam, sau khi vượt qua ngưỡng cản tâm lý 49,4 triệu đồng/lượng, từ đầu tháng 7 đến nay, giá vàng trong nước đã thiết lập mặt bằng mới và xu hướng tăng khá vững chắc. Với tình hình kinh tế thế giới chưa mấy khả quan, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và nhiều quốc gia không ngừng tung ra các gói kích thích kinh tế, khả năng giá vàng thế giới sẽ còn tăng trong ngắn hạn, từ đó kéo giá vàng trong nước đi lên.
Lướt sóng ngắn hạn đầy rủi ro
Dù giá vàng trong nước lập kỷ lục mới nhưng thị trường lại khá trầm lắng. Các doanh nghiệp vàng lớn tại TP HCM như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), SJC... cho biết lượng khách đến giao dịch có đông hơn những ngày trước nhưng không tăng đột biến, không có cảnh xếp hàng như đợt chạm mốc kỷ lục 49 triệu đồng/lượng giai đoạn năm 2011.
Tại nhiều tiệm vàng, doanh nghiệp vàng khác trên địa bàn TP, lượng khách đến giao dịch cũng khá vắng vẻ, thậm chí là đìu hiu. Khoảng 16 giờ, tại nhiều tiệm vàng khu vực quận 1, Bình Thạnh..., khách đến thưa thớt, thậm chí một số tiệm vàng chỉ thấy nhân viên, bảo vệ; nhân viên rảnh rỗi ngồi bấm điện thoại.
Công ty Vàng Bảo Tín Minh Châu (trụ sở tại Hà Nội) cho hay giá vàng tăng mạnh và lượng khách đến giao dịch tại các chi nhánh của công ty khá cân bằng, khoảng 60% khách mua vào và 40% khách bán ra.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, cho biết giá vàng tăng cao nhất từ trước đến nay nhưng nhu cầu thị trường rất yếu, đặc biệt ở phân khúc vàng trang sức.
"Giá vàng tăng quá cao khiến khách hàng không có nhu cầu mua bán, trao đổi vàng trang sức. Chưa bao giờ thấy thị trường tăng mạnh về giá mà lượng giao dịch lại kém sôi động như hiện nay. Các tiệm vàng, doanh nghiệp mỹ nghệ kim hoàn đều vắng vẻ" - ông Dưng nói.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cũng cho biết chỉ niêm yết giá để khách hàng tham khảo chứ lượng mua bán không tăng đột biến. Phụ trách kinh doanh vàng của một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP HCM lý giải từ lâu nhiều ngân hàng đã không giữ trạng thái vàng sau khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, các chính sách siết chặt thị trường vàng được áp dụng. Nếu khách hàng có nhu cầu mua vàng, ngân hàng mới liên hệ những nơi bán để đáp ứng chứ không có sẵn.
"Doanh số giao dịch vàng của cả ngân hàng năm ngoái chỉ khoảng 50 tỉ đồng, con số rất ít ỏi so với các phân khúc kinh doanh khác và giai đoạn trước đây" - đại diện một ngân hàng cổ phần quy mô vừa tại TP HCM dẫn chứng.
Trong khi đó, hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá thế giới gần cả triệu đồng/lượng, đồng thời biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra đang được các doanh nghiệp đẩy lên tới cả triệu đồng/lượng, khiến những người "nhảy" vào thị trường thời điểm này đầy rủi ro.
Nên cẩn trọng
Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh nhận định: Nếu mua vàng thời điểm này chỉ nên giữ trong trung dài hạn vì xu hướng của giá vàng trong nước còn tăng theo thế giới. Còn nếu mua lướt sóng chờ giá lên nữa thì nên cẩn trọng bởi chênh lệch giá mua vào - bán ra được doanh nghiệp giãn quá rộng, chưa kể giá vàng SJC đang cao hơn thế giới.
THÁI PHƯƠNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)