Khoảng 6 giờ ngày 13-11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.876 USD/ounce, tăng 11 USD/ounce so với cùng thời điểm của phiên giao dịch hôm trước.
Trước đó, đầu ngày 12-11, giá vàng biến động quanh vùng 1.865 -1.872 USD/ounce. Lúc 20 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam, khi các quốc gia ở khu vực Mỹ Latin bước vào giao dịch, nhiều người kỳ vọng giá vàng sẽ chuyển biến tích cực. Thế nhưng, thị trường không chứng kiến cú bứt phát mạnh mẽ nào của giá vàng. Bởi lẽ, giới đầu tư giao dịch mua vào và bán ra ngay khi vàng tăng giảm 5-15 USD/ounce. Theo đó, khi giá vàng chạm ngưỡng 1.885/USD/ounce, lập tức họ bán ra đẩy giá vàng lui về 1.880 USD/ounce (lúc 23 giờ). Cứ thế, giá vàng liên tục tăng giảm tại vùng 1.870 -1.880 USD/ounce trong nhiều giờ liên tiếp. Đến rạng sáng 13-11, giá vàng tạm dừng ở mức 1.876 USD/ounce
Tại Việt Nam, do giá vàng thế giới từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 12-11 biến động không đáng kể, nên giá vàng SJC chỉ tăng giảm 50.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 56,35 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 3,7 triệu đồng/lượng.
Theo giới kinh doanh, giá vàng giằng co trong bối cảnh thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến mới của vắc-xin Covid-19. Nhất là khi giới chức y tế của Mỹ cho biết trong 7 ngày sắp tới sẽ đánh giá hiệu quả vắc-xin do Công ty Moderna Inc. nghiên cứu và phát triển, sau khi hãng dược phẩm Pfizer Inc. công bố một loại vắc-xin có thể hạn chế 90% lây nhiễm làm giá vàng ngày 9-11 "bay hơi" trên 100 USD/ounce.
Còn nước Nga thì khẳng định vắc-xin Sputnik V có mức độ hiệu quả lên tới 92%. Từ đó, giới đầu tư chờ thông tin về vắc-xin Covid-19 rõ ràng hơn, chưa mạnh dạn bỏ vốn vào kim loại quý khiến giá vàng lình xình. Đơn cử, tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 11 đến rạng sáng 12-11, một số quỹ đầu tư vàng chỉ mua vào 3,7 tấn; riêng quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares đứng bên lề thị trường.
Trong khi đó, các nhà phân tích độc lập nhận định số ca nhiễm Covid -19 ở Mỹ và châu Âu có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu, làm dấy lên những kỳ vọng về gói kích thích kinh tế bổ sung, tạo đà cho giá vàng bứt phát đi lên. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn và chuyển thành mối lo ngại rủi ro trên thị trường toàn cầu, thì USD có thể được giới đầu tư quan tâm như một địa chỉ trú ẩn an toàn, đồng nghĩa đồng tiền này tăng giá rất mạnh. Khi đó, giá vàng sẽ gặp khó khăn.
Ở thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tăng nhẹ trong buổi sáng theo đà đi lên của giá thế giới.
Lúc 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 55,9 triệu đồng/lượng, bán ra 56,4 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch vàng SJC quanh 55,9 triệu đồng/lượng mua vào, 56,35 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,85 triệu đồng/lượng mua vào, 54,35 triệu đồng/lượng bán ra, cũng tăng nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua nhưng vẫn thấp hơn vàng SJC tới 2 triệu đồng mỗi lượng.
Trên thị trường quốc tế, đến 9 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.879 USD/ounce, đi lên so với giá mở cửa buổi sáng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 52,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 đồng/USD, tăng 5 đồng mỗi USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại tiếp tục ổn định quanh mức 23.060 đồng/USD mua vào, 23.270 đồng/USD bán ra, không thay đổi so trong nhiều ngày qua.
Thy Thơ - Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)