Đầu phiên giao dịch 4-12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch tại 1.842 USD/ounce, tiếp tục cộng thêm 12 USD/ounce sau hai phiên đã tăng 53 USD/ounce.
Như vậy, nếu tính trong 3 phiên giao dịch liên tiếp (từ ngày 1 đến rạng sáng 4-12), giá vàng đã tăng 65 USD/ounce, tương đương 1,8 triệu đồng/lượng.
Trước đó, vào đầu ngày 3-12, do giới đầu tư giao dịch thận trọng nên giá vàng chỉ biến động vài USD/ounce. Lúc 14 giờ, giá vàng trở về điểm xuất phát ban đầu là 1.830 USD/ounce. Tuy nhiên, khi diễn biến trầm trọng Covid-19 tại một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ được thông báo trên toàn cầu, không ít nhà đầu tư đã lao vào thị trường vàng bất chấp các tin tức về vắc-xin ngừa dịch bệnh ngày càng tốt lên. Theo đó, chỉ trong 60 phút giao dịch, giá vàng tăng dựng đứng 12 USD/ounce, chạm ngưỡng 1.842 USD/ounce. Có thể, mức giá này là hợp lý để chốt lời hoặc bán khống chờ giá vàng giảm sẽ mua lại thu về lợi nhuận nên giới đầu tư bán ra, đẩy giá vàng lùi về 1.824 USD/ounce. Sau đó, họ lại tăng sức mua. Giá vàng tăng vùn vụt lên 1.840 USD/ounce và đến đầu ngày 4-12 dừng tại 1.842 USD/ounce.
Trong ngày 3-12, giá vàng SJC tại nước ta tăng 300.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 55,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 4 triệu đồng/lượng.
Giới kinh doanh nhận định thông tin thành phố Los Angeles (Mỹ) bị phong tỏa toàn phần, chính phủ Đức gia hạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh đến ngày 10-1-2021, giới đầu tư suy đoán nền kinh tế thế giới còn suy yếu lâu dài. Theo đó, họ quyết định đưa vốn vào vàng, giúp giá kim loại quý này giữ vững "phong độ".
Thế nhưng, khi Tổ chức Y tế thế giới thông báo sẽ xem xét để chấp thuận sử dụng vắc- xin Covid-19 của Công ty Công ty Pfizer Inc., chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch đặt hàng và tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 cho công dân của mình… là các yếu tố giúp kinh tế thế giới phát triển, cản đà tăng của giá vàng.
Mặt khác, giá vàng còn được hỗ trợ đi lên trong bối cảnh các thành viên Quốc hội Mỹ thông báo gói kích thích kinh tế 980 tỉ USD có thể đạt được thỏa thuận trong thời gian tới, đồng USD tiếp tục suy yếu so với nhiều đồng tiền khác.
Hy vọng về gói kích thích kinh tế của Mỹ và sự lạc quan về tiến độ vắc- xin đã đẩy đồng USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2018..
"Triển vọng về gói kích thích kinh tế là một yếu tố tích cực cho đà tăng của giá vàng. Tuy nhiên, Mỹ có thật sự tung ra gói kích thích và giá vàng có tận dụng cơ hội này là một câu chuyện khác. Bởi lẽ, với mức cản 1.850 USD/ounce, giá vàng không dễ vượt qua nếu các quỹ đầu tư vàng chưa dừng bán ra " - Craig Erlam, nhà phân tích tại Công ty Giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ) nhận định.
Trong khi giá vàng thế giới “dậy sóng” vào đêm qua thì giá vàng trong nước sáng nay 4-12 lại dao động trong vùng hẹp.
Lúc 9 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp giao dịch phổ biến quanh mức 54,75 triệu đồng/lượng mua vào, 55,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp niêm yết giá vàng SJC mua vào 54,65 triệu đồng/lượng, bán ra 55,5 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng SJC biến động trong vùng hẹp nhưng khoảng cách chênh lệch giá mua - bán tiếp tục được các doanh nghiệp giãn rộng từ 650.000 - 850.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch 53,35 triệu đồng/lượng mua vào, 53,95 triệu đồng/lượng bán ra, thấp hơn vàng SJC khoảng 1,4 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, đến 9 giờ theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.838 USD/ounce, giảm nhẹ so với cuối ngày hôm qua, quy đổi theo tỉ giá niêm yết sáng nay khoảng 51,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC gần 4 triệu đồng/lượng.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 5 đồng/USD xuống mức 23.142 đồng/USD. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng giảm tiếp về 23.010 đồng/USD mua vào, 23.220 đồng/USD bán ra, giảm 10 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Thy Thơ - Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)