Giá vàng hôm nay 1-1: Tăng sốc, giới đầu tư lo ngại tiền giảm giá

Thứ sáu, 01 Tháng 1 2021 10:36 (GMT+7)
Sau khi tăng 14 USD/ounce, giá vàng tiếp tục đi lên khi giới đầu tư lo ngại đưa vốn vào các thị trường khác có thể rủi ro, USD đang trên đà trượt dốc
Ở thị trường vàng trong nước, dù thị trường đang nghỉ Tết Dương lịch nhưng giá vàng SJC vẫn được một số doanh nghiệp đẩy lên mức cao theo đà tăng của giá thế giới.
 
Lúc 9 giờ 30, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 55,7 triệu đồng/lượng, bán ra 56,1 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
 
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng mua vào 55,4 triệu đồng, bán ra 56,25 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
 
Chênh lệch giá mua - bán cũng được các giãn rộng lên tới 850.000 đồng/lượng dù thị trường đang nghỉ lễ và giá vàng thế giới tăng mạnh.
 
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được doanh nghiệp niêm yết 54,7 triệu đồng/lượng mua vào, 55,3 triệu đồng/lượng bán ra, thu hẹp khoảng cách với vàng SJC còn 800.000 đồng mỗi lượng.
 
Trên thị trường thế giới, giá vàng đóng cửa trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch ở mức 1.898 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 53,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 3 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng hôm nay 1-1: Tăng sốc, giới đầu tư lo ngại tiền giảm giá - Ảnh 1.
 
Trước đó, vào rạng sáng 1-1-2021 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.900 USD/ounce, tăng 8 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước.
 
Giá vàng tăng sốc khi nhiều người lo ngại việc đưa vốn vào các thị trường khác có thể rủi ro. Đà trượt dốc của USD sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng bởi trong năm 2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục bổ sung thêm hàng ngàn tỉ USD vào thị trường. Gói hỗ trợ tài chính 900 tỉ USD gần đây của Mỹ đã củng cố mạnh mẽ tâm lý nắm giữ vàng của giới đầu tư. Biểu hiện rõ nhất là tại phiên giao dịch kéo dài từ đêm 30 đến rạng sáng 31-12, một số quỹ đầu tư mua 1,71 tấn vàng sau khi đã mua 1,44 tấn vào phiên giao dịch trước. Còn quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares giữ nguyên số lượng vàng đang nắm giữ trong hai phiên giao dịch liên tiếp.
 
Nhà phân tích của kitco.com (trang thông tin về thị trường vàng) – bà Anna Golubova nhận định động lực tăng giá của vàng vẫn đang diễn ra. Đó là các gói kích thích kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều quốc gia, đồng USD suy yếu, lo ngại lạm phát gia tăng và tiền giảm giá.
 
Tuy vậy, một số ngân hàng trung ương cảnh báo các tài sản trú ẩn truyền thống có thể sẽ gặp khó khăn để duy trì đà tăng giá. Vàng có thể sẽ chịu áp lực trong năm 2021 khi thị trường tài chính bình thường hóa và lãi suất tăng lên.
 
Diễn biến thị trường ngày 31-12 cho thấy giá vàng biến động có lúc rơi xuống 1.885 USD/ounce. Thế nhưng, khi thông tin biến thể Covid-19 đã xuất hiện tại Mỹ và Singapore, số ca nhiễm virus corona tăng mạnh tại Nhật Bản, Đức...có thể nhiều nhà đầu tư nghĩ tình hình dịch bệnh ngày càng nặng nề, kinh tế toàn cầu bi đát trong dài hạn. Từ đó, họ hướng dòng tiền vào vàng để bảo toàn vốn. Giá vàng vì thế có lúc tăng gần 20 USD/ounce, cán mức 1.902 USD/ounce lúc 21 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam. Với mức giá này, có lẽ những người chuyên lướt sóng vàng đã bán ra (bán khống) rồi chờ vàng giảm giá mua vào hưởng chênh lệch buộc giá vàng phải lùi về 1.890 USD/ounce. Đến đầu ngày 1-1-2001, các nhà đầu tư đã bán khống lại mua vào kéo giá vàng trở lại vùng 1.900 USD/ounce
 
Trước đó, trong ngày cuối cùng (31-12) của năm 2020, giá vàng SJC tại Việt Nam biến động không đáng kể, chốt cuối ngày tại 56,1 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 3 triệu đồng/lượng.
 
Thy Thơ - Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vàng bạc - Đá quý