Lúc 8 giờ, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến mua vào 56,6 triệu đồng/lượng, bán ra 56,9 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 200.000 đồng mỗi lượng so với giá cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch vàng SJC mua vào 56,55 triệu đồng/lượng, bán ra 56,95 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 100.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.
Giá vàng SJC biến động khá mạnh theo đà lên xuống của giá thế giới.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại có xu hướng giao dịch ổn định hơn. Sáng nay, các doanh nghiệp niêm yết vàng trang sức chủ yếu mua vào 54,5 triệu đồng/lượng, bán ra 54,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC tới 2 triệu đồng/lượng.
Đến 8 giờ 30, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.861 USD/ounce, tương đương 51,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ, trong khi USD tăng giá trên thị trường quốc tế thì ở trong nước, USD giao dịch tại các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục đi xuống. Hiện giá USD được các ngân hàng thương mại giao dịch mua vào 22.950 đồng/USD, bán ra 23.130 đồng/USD, giảm thêm 10 đồng mỗi USD so với sáng hôm qua.
Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.151 đồng/USD, giảm thêm 1 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ ngày 2-2 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.862 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với mức giá mở cửa hôm trước là 1.849 USD/ounce
Bất chấp USD đột ngột tăng giá, thị trường chứng khoán toàn cầu "xanh" sàn… đã lôi kéo một phần dòng tiền vào "đồng bạc xanh" và cổ phiếu, giá vàng vẫn đi lên khi nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia châu Á tăng vọt trong mùa giáp Tết, gói kích thích kinh tế bổ sung 1.900 tỉ USD của Mỹ có thể rơi vào tình trạng bế tắc.
Theo giới phân tích, tuy Mỹ chưa rõ ràng về gói bổ sung tài chính để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng giới kinh doanh vàng cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ốn, thị trường tài chính biến động thất thường, nhiều quốc gia tiếp tục bơm thêm tiền mặt hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống đở Covid-19 đã gây áp lực lên lạm phát toàn cầu. Theo đó, đồng USD khó duy trì đà tăng giá trong dài hạn, thúc đẩy nhiều người trú ẩn vốn vào kim loại quý để đề phòng rủi ro. Giá vàng vì thế mà nhảy vọt.
Đề cập tới xu hướng đi lên của giá vàng, một số nhà phân tích nhận định đại dịch Covid-19 tiếp tục hạn chế các hoạt động các doanh nghiệp và trường học phải đóng cửa, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Do đó, giới đầu tư tài chính luôn quan tâm đến việc nắm giữ vàng để bảo toàn vốn hoặc tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Diễn biến trên thị trường cho thấy đầu ngày 1-2, giới đầu tư dồn dập đưa vốn vào vàng. Lập tức, giá kim loại quý này tăng 22 USD/ounce, từ 1.849 USD/ounce lao lên 1.871 USD/ounce lúc 14 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Tiếp đến, một số nhà đầu tư tranh thủ bán ra chốt lời khi vàng đứng ở giá cao. Số khác thì bán khống chờ giá vàng đi xuống sẽ mua vào hưởng chênh lệch. Vì thế, giá vàng buộc phải giảm 14 USD/ounce, xuống còn 1.857 USD/ounce. Sau đó, những người có nhu cầu trú ẩn vào vàng và người đã bán khống lại mua vào, giúp giá bật tăng trở lại. Đến khoảng 6 giờ ngày 2-2, giá vàng leo lên 1.862 USD/ounce.
Trước đó, do từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 1-2, giá vàng thế giới tăng mạnh, sức mua trong nước khởi sắc nên giá vàng SJC tại Việt Nam tăng 300.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày ở mức 57,1 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới trên 5 triệu đồng/lượng.
Thy Thơ - Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)