Tại TP HCM, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 54,87 triệu đồng/lượng, bán ra 55,3 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Ở Hà Nội, các doanh nghiệp giao dịch vàng SJC quanh 54,85 triệu đồng/lượng mua vào, 55,3 triệu đồng/lượng bán ra.
Ở thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.200 đồng/USD, tăng mạnh 15 đồng mỗi USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng nhảy vọt lên 22.960 đồng/USD mua vào, 23.140 đồng/USD bán ra, tăng 15 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được niêm yết ở mức 51,9 triệu đồng/lượng mua vào, 52,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm mạnh tới 600.000 đồng mỗi lượng so với sáng hôm qua.
Dù vậy, giá vàng SJC và vàng trang sức 24k vẫn được neo giá cao và biến động nhỏ giọt so với giá thế giới.
Đến 8 giờ 30, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.681 USD/ounce, giảm tới 30 USD mỗi ounce so với hôm qua, tương đương mức giảm 800.000 đồng/lượng.
Biến động giảm chậm hơn khiến khoảng cách chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng tới hơn 8,4 triệu đồng/lượng, trong khi vàng trang sức cũng cao hơn giá thế giới 5,6 triệu đồng/lượng.
Khoảng 6 giờ ngày 9-3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch tại 1.682 USD/ounce, giảm mạnh 18 USD/ounce so với mức giá mở cửa hôm trước là 1.700 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 8-3 giảm 100.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 55,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới 7,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng bị đè bẹp trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng, USD duy trì sức mạnh so với nhiều đồng tiền khác, quốc gia này sắp tung ra gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế bị thiệt hại do Covid-19.
Giới phân tích nhận định gói kích thích kinh tế vừa được Thượng viện Mỹ thông qua vào cuối tuần trước và hiện đang chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh triển khai, chỉ giúp cho giá vàng vào đầu này 8-3 tăng hơn 10 USD/ounce.
Sau đó, xu hướng đi xuống của giá vàng không thay đổi vì lãi suất trái phiếu tiếp tục tăng, giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến. Họ đã giảm nhu cầu nắm giữ kim loại quý, chuyển dịch vốn sang trái phiếu nên có thời điểm giá vàng mất hơn 30 USD/ounce.
Mặt khác, giới đầu tư tài chính lại dồn vốn vào cổ phiếu giúp thị trường chứng khoán châu Âu "xanh" sàn. Còn trên phố Wall (Mỹ), chỉ số Dowjones tăng 306 điểm. Thế nên khi một phần của dòng tiền không chảy vào thị trường kim loại quý, giá vàng thiếu động lực đi lên.
Giao dịch trên thị trường cho thấy đầu ngày 8-3, giá vàng từ 1.700 USD/ounce leo lên 1.712 USD/ounce. Tuy nhiên, khi lãi suất trái phiếu vọt tăng, đồng USD chưa có dấu hiệu suy yếu khiến thị trường vàng gần như không có người mua.
Theo đó, giá vàng giảm mạnh 34 USD/ounce, từ 1.712 USD/ounce rơi xuống 1.678 USD/ounce lúc 24 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam. Đến rạng sáng 9-3, giá vàng bật tăng nhẹ và khoảng 6 giờ cùng ngày giao dịch tại 1.682 USD/ounce
Theo giới kinh doanh, giá vàng đang gánh chịu áp lực lao xuống dốc từ đà bán ra của các quỹ đầu tư. Điều này thể hiện khá rõ khi báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy trong tháng 2-2021, các quỹ đầu tư đã bán 84,7 tấn vàng.
Thy Thơ - Thái Phương. Ảnh: Hoàng Triều - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)