Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tiếp tục giảm dù mức độ đi xuống không bằng đà lao dốc của giá vàng thế giới.
Lúc 9 giờ, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,1 triệu đồng/lượng, bán ra 66,9 triệu đồng/lượng, giảm thêm 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Đây là ngày giảm ngày thứ 5 liên tiếp của vàng SJC dù mức độ giảm không quá lớn so với thế giới.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 53,1 triệu đồng/lượng mua vào, 54 triệu đồng/lượng bán ra, giảm mạnh 250.000 đồng mỗi lượng.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.642 đồng/USD, ổn định so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 23.630 đồng/USD mua vào, 23.970 đồng/USD bán ra, giảm 30 đồng/USD.
Hàng loạt yếu tố đang gây sức ép lên giá vàng hôm nay trước kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ tăng 4,7%, cao hơn 0,4 điểm % so với dự báo là 4,3% khiến thị trường suy đoán FED sẽ mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Phản ứng thông tin này, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu bị bán tháo. Tại Phố Wall, các chỉ số Dowjones giảm mạnh 399 điểm, S&P 500 giảm 42 điểm, Nasdaq giảm 195 điểm. Theo đó, dân "chơi" cổ phiếu quốc tế chuyển một phần vốn vào USD giúp đồng tiền này tăng giá trên diện rộng, tạo sức ép lên giá vàng hôm nay
Mặt khác, lãi suất trái phiếu Mỹ cũng tăng lên gần 4%/năm đã kích thích giới đầu tư nắm giữ trái phiếu, làm cho dòng tiền chảy vào kim loại quý bị chi phối. Giá vàng hôm nay gánh thêm áp lực đi xuống.
Trước tình hình trên, giới đầu cơ lo sợ việc nắm giữ kim loại quý sẽ rủi ro. Thế nên, khi vàng giao dịch tại vùng 1.825 USD/ounce thì họ liền bán ra. Đến đầu ngày 25-2, giá vàng hôm nay xuống còn 1.810 USD/ounce rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức giá này.