Theo lịch sử hình thành các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, người Dao ở xứ Thanh hiện có 2 nhóm là người Dao Quần Chẹt và người Dao Đỏ. Trong đó, người Dao Quần Chẹt sống tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc (được di cư từ các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào đầu thế kỷ XX). Còn người Dao Đỏ sống tập trung ở huyện biên giới Mường Lát (chủ yếu di cư từ Lào sang vào năm 1945).
Một nghi thức trong lễ cấp sắc của người Dao ở Thanh Hóa
Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của ngưòi Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống, đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc. Một nghi lễ vừa mang tính chất của Đạo giáo vừa mang những dấu vết của lễ thành đinh xa xưa.
Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ đặc sắc trong cộng đồng dân tộc Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013. Mặc dù, theo thời gian, tục cấp sắc đã có nhiều mai một, nhưng đồng bào dân tộc Dao miền Tây xứ Thanh luôn có ý thức gìn giữ và bảo tồn lễ cấp sắc - một nghi lễ không thể thiếu để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao.
Theo các cụ người Dao cao niên ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Thủy), lễ cấp sắc thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc tháng Giêng (âm lịch) gồm có nhiều bậc như 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Ông thầy trong lễ cấp sắc phải là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, phải là ngày hợp tuổi và đẹp. Người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem như không được ăn những thứ dùng để cúng, không chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng hay tơ tưởng đến nữ giới.
Đầu lợn và thịt gà là những món không thể thiếu trong lễ cấp sắc
Do lễ cấp sắc thường rất tốn kém, nên người Dao một số nơi thường để đến khi kết hôn xong mới làm lễ cấp sắc và cho phép anh em trong nhà hoặc họ hàng thân thiết được tổ chức lễ cấp sắc cùng một lúc cho đỡ tốn kém. Đã có rất nhiều thanh niên người Dao, do kinh tế khó khăn nên có người lấy vợ, sinh con rồi mới có thể làm cho mình lễ cấp sắc.
Bà Dương Thị Hiền (65 tuổi, ngụ xã Cẩm Bình) cho biết, gia đình bà có 2 con trai, hiện đã có 1 người làm lễ cấp sắc. Để làm được lễ cấp sắc vô cùng tốn kém nên phải để kinh tế ổn định mới làm. Thời chúng tôi nghèo đói nên hầu hết khi sinh con đẻ cái nuôi chúng lớn dựng vợ gả chồng xong, bố mới làm được cái lễ cấp sắc. Nhưng những năm gần đây, kinh tế không còn khó khăn như trước nên đàn ông người Dao chúng tôi bây giờ được làm lễ cấp sắc sớm. Nhiều người chỉ cần lấy vợ xong vài năm là có thể làm được lễ cấp sắc rồi"- bà Hiền nói.
Cũng theo bà Hiền, dù khó khăn đến mấy, người đàn ông bắt buộc trong đời phải làm lễ cấp sắc, bởi theo quan niệm của người Dao, chưa cấp sắc thì khi chết sẽ không được cúng. "Trong mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, trong đó có 3 thầy chính và 3 thầy phụ. Thầy chính thứ nhất (thầy cả) thường mặc áo thêu hình rồng và nhiều họa tiết trang trí, thầy thứ 2 mặc áo màu vàng, thầy thứ 3 mặc áo màu đỏ. Trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ, 3 thầy phụ có trách nhiệm giúp các thầy chính mặc áo và thay áo" - cụ Khang (xã Cẩm Bình) chia sẻ.
Lễ cấp sắc rất tốn kém do khi tổ chức thường mời anh em họ hảng và bạ bè rất động tới ăn cổ
Trong quá trình làm lễ cấp sắc, hai thứ không thể thiếu để cúng đó là đầu lợn và gà. Nguyên liệu để làm một lễ cấp sắc bao gồm: gạo nếp làm bánh, làm oản; lợn, rượu, gà lễ, vàng tiền… và không thể thiếu bộ quần áo của người đàn ông dân tộc Dao. Tuy nhiên, ngoài các lễ vật, còn chuẩn bị thêm lương thực, thực phẩm và vài mươi lít rượu ngon để khao họ mạc, bạn bè và mọi người. Trung bình mỗi gia đình để tổ chức được một lễ cấp sắc cũng phải mất 3-4 tạ lợn và khoảng chục con gà trở lên.
Nghi thức làm lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày, người đàn ông được cấp sắc không được ngủ mà phải thức cả ngày cả đêm. Ngày thứ nhất, lễ cấp sắc diễn ra ở ngoài trời. Ngày thứ 2 người thụ lễ vào nhà để nghe thầy cả đọc các loại sách cúng, thầy cả đọc lệnh cấp sắc, được các thầy dạy múa chuông, múa sa ma… lúc này người thụ lễ đã trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Ngày thứ ba, người đã được công nhận là con cháu Bàn Vương tiến hành tạ ơn tổ tiên theo đúng nghi lễ. Kết thúc lễ cấp sắc, người đàn ông sẽ nhận được một mảnh giấy do thầy cúng trao chứng nhận đã được cấp sắc.
Bà Hiền cho biết, mảnh giấy do thầy cúng trao được người Dao quan niệm không thể để cho ai xem ngoài hai vợ chồng và thầy cúng. Họ sẽ cất cẩn thận ở trong rương, hòm, khi có công việc gì cần thiết liên quan mới lấy ra.
Bà Dương Thị Hiền (giữa) kể lại một số nghi lễ cấp sắc của đồng bào mình
Bao đời nay, với đàn ông người dân tộc Dao, lễ cấp sắc đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời, từ đó trở thành người có tâm, có đức, biết lẽ phải trái ở đời, hướng tới việc thiện, không làm điều ác, được coi là người đàn ông đã trưởng thành có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng và các công việc hệ trong của người Dao.
Tại Thanh Hóa, hiện nay lễ cấp sắc còn giữ được nhiều bản sắc là của nhóm người Dao Quần Chẹt, trong khi đó lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở vùng núi cao huyện Mường Lát đã mai một đi nhiều.
Nguồn: Thanh Tuấn - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)