Miền Tây lo bị mặn xâm nhập sớm

Thứ ba, 19 Tháng 2 2019 08:26 (GMT+7)
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2018-2019 tại ĐBSCL thuộc năm thủy văn có mặn xâm nhập sớm nên các địa phương cần chủ động dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Mùa khô năm 2018-2019 dự báo diễn biến mặn tương đối phức tạp như: xâm nhập khá sớm, sâu, biến động bất thường so với năm 2018 và so với TBNN nhưng so với mùa khô năm 2015-2016 mức độ ít nghiêm trọng hơn. Từ tháng 2-2019, các vùng cách cửa sông 40-50 km, mặn có khả năng vượt quá 4 g/l, đặc biệt từ giữa tháng 2 trở đi. Từ tháng 3 đến tháng 4, nếu có xả nước từ thượng lưu, mặn sẽ giảm, trở về như tháng 1, 2. Trong tháng 5, nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6.

Với dự báo mặn như trên thì một số vùng không có khả năng cấp nước ngọt, nuôi thủy sản (tôm nước lợ) có thể bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do nồng độ mặn cao, như tại các huyện: An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang), Thạnh Phú, Ba Tri (tỉnh Bến Tre). Vùng có khả năng thiếu nước ngọt, sinh hoạt cho người dân cho vùng ven biển, đặc biệt là các vùng cù lao cửa sông như: Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang), Hòa Minh (tỉnh Trà Vinh), Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), các huyện ven biển tỉnh Bến Tre; huyện Long Phú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Tại TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), mặn có thể xâm nhập với nồng độ đạt đến 2-4 g/l vào tháng 4, tháng 5 (nếu không mưa). Hiện tại, độ mặn đo được tại các sông trên dưới 30%0. Dự kiến, độ mặn trong năm nay sẽ bằng với năm trước ở mức 38%0. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất của người dân.

Miền Tây lo bị mặn xâm nhập sớm - Ảnh 1.

Cống ngăn mặn ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà MauẢnh: VÂN DU

Ngày 18-2, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh có 2 vùng khép kín với vùng hở. Trong đó, vùng khép kín có diện tích khoảng 130.000 ha tại vùng U Minh Hạ và huyện Trần Văn Thời; vùng hở có diện tích khoảng 400.000 ha. Theo ông Hoai, tại vùng khép kín hiện tại chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Song, dự báo nếu nắng nóng kéo dài như hiện nay thì các vùng trên rất có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Nhằm ứng phó với tình trạng trên, Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau đã tiến hành nạo vét các con sông để tích trữ nước ngọt (đối với vùng khép kín) và tạo độ thông thoáng nhằm khống chế nguồn nước mặn... Đồng thời kêu gọi người dân sử dụng hợp lý nguồn nước và phát triển nông nghiệp theo quy hoạch.

Để ứng phó với các tình huống xấu do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác phòng, chống và ứng phó hạn, mặn. Theo đó, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ. Vận động người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao để ngăn mặn, trữ ngọt. Khuyến cáo người dân tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ; thực hiện các biện pháp trữ nước trong mương, vườn để phục vụ sản xuất.

Nguồn: Ca Linh - Vân Du - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội