Giữ nguyên trạm thu phí BOT Cai Lậy

Thứ ba, 26 Tháng 2 2019 08:34 (GMT+7)
Trạm BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 3-2019, sau hơn 1 năm tạm dừng với phương án là giữ nguyên vị trí cũ nhưng mở rộng phạm vi, đối tượng được miễn, giảm phí với mức tối đa

Chiều 25-2, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Tiền Giang cùng các đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin cụ thể về phương án giải quyết đối với các bất cập tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng như đưa ra thời gian thu phí trở lại sau hơn 1 năm tạm dừng.

Thu phí trở lại trong tháng 3-2019

Theo Bộ GTVT, dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang - BOT Cai Lậy) được khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 1.389 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. Trong đó phần tuyến tránh được đầu tư mới hoàn toàn dài khoảng 12 km với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng; phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỉ đồng. Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào chạy thử một thời gian, đầu tháng 8-2017, trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt hoàn toàn trên Quốc lộ 1 (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) và chính thức thu phí hoàn vốn. Thời gian thu phí dự kiến ban đầu là 6 năm 5 tháng, với mức phí dao động từ 35.000-180.000 đồng, tùy từng nhóm xe. Tuy nhiên, từ ngày đầu thu phí, trạm BOT này vấp phải sự phản đối của giới tài xế và liên tục phải xả trạm. Tháng 12-2017, trạm này ngưng thu phí cho đến nay.

Giữ nguyên trạm thu phí BOT Cai Lậy - Ảnh 1.

Trạm BOT Cai Lậy đã tạm ngưng thu phí hơn 1 năm Ảnh: GIA MINH

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết dự án nêu trên ngưng thu phí hơn 1 năm và trong thời gian này, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp nhiều lần, các bộ - ngành cũng tập trung nghiên cứu, rà soát các thủ tục pháp lý, đánh giá nhiều vấn đề. Cuối cùng, 5 phương án giải quyết được đưa ra nhưng sau đó, Bộ GTVT gom lại thành 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên vị trí đặt trạm cũ và tiếp tục giảm phí cho các phương tiện, cụ thể như nhóm 1 (xe 4 chỗ) được giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt (tương ứng giảm 57%), đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng miễn, giảm giá vé trong vùng lân cận với bán kính cao nhất 10 km. Đối với phương án 2 là vẫn giữ nguyên trạm cũ nhưng sẽ lập thêm một trạm trên tuyến tránh để thu cả 2 trạm nhưng phương tiện đi trên tuyến nào sẽ thu phí để hoàn vốn trên tuyến đó. Phương án này cũng đưa ra là mở rộng tối đa phạm vi giảm giá phí cho người dân khu vực lân cận trạm thu phí. Sau nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án 1, tức là giữ nguyên trạm thu phí như hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bộ đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó việc công khai, minh bạch đối với trạm BOT này là vấn đề tiên quyết. Ngoài phương án mở rộng phạm vi, đối tượng giảm, miễn phí thì Bộ GTVT cũng sẽ sửa chữa lại toàn bộ dự án, cùng công an phân luồng, đo đếm lưu lượng xe ở tuyến chính, tuyến tránh như thế nào… "Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan cũng "thăm dò" thông qua các ý kiến từ cơ quan báo đài, người dân…, để hoàn chỉnh hơn. Tất cả những biện pháp này đang thực hiện và thời gian thu phí trở lại dự kiến trong tháng 3-2019 nhưng chưa xác định ngày" - ông Nhật nói.

Không thể đặt trạm ở tuyến tránh!

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - nhà đầu tư dự án BOT Cai Lậy, cho biết sau hơn 1 năm ngưng thu phí, doanh nghiệp này thiệt hại hơn 130 tỉ đồng (?!). Hiện nay, việc cho phép thu phí trở lại và giảm vé 63%, từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng, đó là gánh nặng mà nhà đầu tư phải chịu. "Bỏ vốn đầu tư mong thu lại hiệu quả, tình hình xảy ra như vậy, việc giảm giá là biện pháp cuối cùng. Còn câu chuyện còn lại là của nhà nước" - ông Cường nói.

Về vị trí đặt trạm thu phí cũng như tính pháp lý của dự án, theo ông Cường, trước đó khi thực hiện các chủ trương đầu tư, các đơn vị đều đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng đồng ý, chấp thuận làm tuyến tránh và thống nhất vị trí đặt trạm. "Còn tại sao không đặt trạm thu phí trên đường tránh là bởi nếu đặt tại đây thì thời gian thu là 23 năm. Đối với một dự án vay trung hạn như vậy thì không có ngân hàng nào cho vay quá 20 năm, do đó không thể vay vốn và không đầu tư được. Trong khi đó, ý nghĩa của việc xây dựng tuyến đường tránh là hoàn toàn đúng đắn để giải tỏa áp lực giao thông, vì vậy phải đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1" - ông Cường giải thích.

Về vấn đề mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm, miễn phí sẽ nhận diện như thế nào, theo nhà đầu tư, đơn vị sẽ làm việc với các huyện, sau đó những cơ quan này làm việc lại với người dân, từ đó đối tượng miễn, giảm phí có thể được phát thẻ để qua trạm.

Trong khi đó, trước lo ngại việc thu phí trở lại có thể tiếp tục xảy ra những xung đột, ông Nguyễn Nhật nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh trật tự là trách nhiệm của nhà đầu tư và địa phương. Nhà đầu tư phải xây dựng phương án và báo cáo với chính quyền địa phương để xử lý. Còn riêng Bộ GTVT sẽ thực hiện rà soát, hồi đáp và giải quyết tất cả những bất cập của trạm thu phí này và khi minh bạch, hợp lý, ông Nhật tin tưởng sẽ không còn tình trạng bị tài xế phản đối.

Giám sát chặt doanh thu

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, nhiều trạm BOT trước đây được xây dựng nhưng chưa có các quy định, thông tư đầy đủ… Do đó, Bộ GTVT đang rà soát lại tất cả, đồng thời ban hành sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT cũng như xây dựng, tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hơn. "Còn vấn đề trước mắt, bộ đang đẩy nhanh triển khai đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng cùng việc giám sát chặt chẽ doanh thu ở trạm BOT như kiểm soát theo ngày để minh bạch, tránh tình trạng gian lận" - ông Nhật khẳng định.

Nguồn: MINH SƠN - GIA MINH - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội