Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM trình Ủy ban MTTQ TP, theo kế hoạch sẽ tổ chức phản biện vào hôm nay (1-3). Đề án này được TP "đặt hàng" Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT nghiên cứu, đưa ra trong bối cảnh ùn tắc giao thông tại TP HCM đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Đưa 3 chọn 1
Thống kê của Sở GTVT TP HCM cho thấy năm 2017, TP có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, trong đó "nóng" nhất là khu trung tâm, xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và các tuyến cửa ngõ. Cuối năm 2018, những điểm ùn tắc này chỉ giảm 3, tức còn 34, nhưng nhiều điểm không chuyển biến. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai, hàng chục ngàn tỉ đồng đã đầu tư vào các công trình "giải cứu" ùn tắc giao thông nhưng nhiều năm qua, kẹt xe vẫn tiếp diễn và thậm chí còn có chiều hướng gia tăng ở nhiều khu vực tại TP. Trong đó, khu trung tâm và cửa ngõ ùn tắc là do mật độ phương tiện vượt quá năng lực thiết kế của các tuyến đường.
Theo số liệu được các cơ quan chức năng công bố, từ năm 2011 đến 2017, tốc độ tăng trưởng của xe máy gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng của đường bộ và 1,44 lần diện tích mặt đường. Trong khi ôtô con còn cao hơn, với mức tăng lần lượt là 7 và 2 so với tỉ lệ như trên. Với tình hình này, đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân nêu vấn đề trong khi các dự án VTHKCC khối lượng lớn như metro, BRT… còn chậm và hệ thống xe buýt có xu hướng giảm nhiều năm qua, tại TP HCM có 3 kịch bản để giải quyết ùn tắc giao thông và phát triển các loại hình vận tải đô thị.
Kịch bản 1 là phát triển theo xu thế, trong đó nêu các loại hình vận tải đô thị tiếp tục phát triển, xe cá nhân vẫn chiếm thị phần lớn. Kịch bản 2 là phát triển có kiểm soát - nêu vấn đề VTHKCC phải có vai trò quan trọng trong vận tải đô thị và sự phát triển của xe cá nhân phải được kìm hãm. Kịch bản 3 là sẽ phát triển theo quy hoạch. Trong đó, các chuyên gia nhận định nếu áp dụng kịch bản 1 thì ùn tắc vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng. Kịch bản 3 khá lý tưởng nhưng tính khả thi không cao. Vì vậy, trong 3 kịch bản nêu trên, kịch bản 2 được xem là khả thi nhất vì nó phù hợp với tiến trình phát triển giao thông đô thị của các nước phát triển trên thế giới.
Để thực hiện kịch bản nêu trên, đề án đề xuất 36 giải pháp được sắp xếp theo từng nhóm, lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn: từ nay đến năm 2020, 2021-2025 và 2026-2030. Việc triển khai được sắp xếp thành từng nhóm theo nguyên tắc "kéo - đẩy", tức kéo giảm lượng người sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh hành khách tham gia phương tiện công cộng, bảo đảm 2 nhóm giải pháp có thể tiến hành song song để đạt hiệu quả cao nhất. Đề án cũng khẳng định việc phát triển VTHKCC là điều kiện để hạn chế xe cá nhân và thực hiện đồng bộ với các giải pháp hành chính, kinh tế trong việc kiểm soát xe cá nhân.
Hàng ngàn phương tiện chật vật tìm lối thoát trên đường Trường Chinh (quận Tân Phú) sáng 28-2 để vào trung tâm TP HCM. Ảnh: GIA MINH
Cấm xe máy, thu phí ôtô...
Trong nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, việc hạn chế lưu thông môtô, xe máy sẽ được thực hiện theo lộ trình. Đầu tiên là phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực tại trung tâm TP (các quận 1, 3, 5, 10), khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, sau đó mở rộng ra các khu vực lân cận. Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ ngưng hoạt động của môtô, xe máy ở một số quận trung tâm. Tuy nhiên, điều kiện phải đạt được trước đó là hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy… phải bảo đảm nhu cầu đi lại và hoạt động VTHKCC có cự ly tiếp cận trung bình đối với hành khách dưới 500 m.
Cùng với việc hạn chế môtô, xe máy, đề án cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện song song là giai đoạn 2020-2025, TP sẽ thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm, đồng thời kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với tất cả phương tiện để phân vùng hoạt động theo các mức điều kiện an toàn và thu phí ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hạn chế ôtô đăng ký mới, xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm và phát triển xe đạp, xe máy điện công cộng… để kết nối hỗ trợ các phương thức công cộng khác.
Đồng tình với những mục tiêu và giải pháp mà đề án đề ra, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban MTTQ TP HCM), lưu ý thêm khi hạn chế hoặc cấm xe máy vào khu trung tâm thì cần giải pháp thay thế cho những dịch vụ của xe máy đem lại trước đó để bảo đảm lợi ích của cả bên cung và bên cầu. Ngoài ra, ông Ninh cho rằng TP cần quy hoạch nhiều khu dân cư đồng bộ khép kín, với các chức năng đặc thù nhưng cơ bản và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tối thiểu là chỗ ở, nơi làm, mua bán, tiêu dùng và các bệnh viện, trường học… "Những nhu cầu này được đáp ứng thì chẳng ai muốn sử dụng xe cá nhân để di chuyển" - ông Ninh nói.