Cái Nước cũ - Cà Mau: Cần kiên quyết với 'tham nhũng vặt'!

Thứ sáu, 01 Tháng 3 2019 14:43 (GMT+7)
Tòa Hành chính - TAND Tối cao năm 2005 dùng nhiều chứng cứ cần minh bạch hóa để đưa ra một quyết định không thuyết phục và có biểu hiện chưa chuẩn về thể thức theo quy định pháp luật.

 

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cuối năm 2018, sau nhiều thắng lợi của công tác phòng chống tham nhũng với các vụ án “không có vùng cấm”; Tổng Bí thư - Chủ tịch nước - Trưởng Ban chỉ đạo đã “đưa” hiện tượng “tham nhũng vặt” vào danh mục cần xử lý. Với vụ án hành chính mà chúng tôi đề cập xảy ra hơn 26 năm trước ở huyện Cái Nước cũ (nay là huyện Tân Phú), tỉnh Cà Mau thì màu sắc “tham nhũng vặt” đã hiển thị khá rõ nét. Vấn đề ở đây chỉ còn là khi nào “bộ lọc” pháp luật nghiêm minh được đưa vào cuộc và phương pháp giải quyết như thế nào mà thôi, bởi, các vụ việc tương tự đã “nở rộ” ở mọi nơi, mọi lúc...

Ông Trần Thanh Phong trình bày vụ việc với phóng viên.

Hệ lụy khôn lường…

Trở lại Vụ án dân sự số 01/HC-ST ngày 01/3/2004 của TAND huyện Cái Nước (nay là huyện Phú Tân) cho thấy, tòa án sở tại ngay từ đầu đã không nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành thời điểm đó. Cần nhắc lại là, bị đơn trong vụ án khởi kiện hành chính lại chính là cơ quan công quyền cấp huyện, nơi ban hành quyết định hành chính gây bất bình. Trong đó, theo phản ánh của ông Trần Thanh Phong (Phú Tân, Cà Mau), việc sử dụng đất ổn định trước năm 1993 của hộ ông Phan Thanh Dân (Vân) - hộ trực canh ổn định hơn 20 năm và không có tranh chấp - là phù hợp với quy định pháp luật nhưng đã không được “bổn tòa” tôn trọng và tuân thủ.

Không những thế, họ còn “nại ra” những tình tiết thiếu sức thuyết phục và thiếu cơ sở pháp lý như việc những người con gái chủ gốc đất từ những năm 30, 40 “đang thiếu đất sản xuất”; dù rằng những người này đã “theo chồng”, “khước từ” quyền sở hữu hơn 20 năm và không thiết tha gì với mảnh đất “đồn bót, bom mìn” sau ngày giải phóng đất nước.

Nhưng nguy hiểm hơn là, mặc dù đã được TAND tỉnh Cà Mau (cấp phúc thẩm) đứng ra sửa sai “giùm” cho tòa án cấp sơ thẩm nhưng TAND huyện vẫn bất chấp và chính từ đây làm nảy sinh quá trình tranh chấp kéo dài, tranh tụng với những những bằng chứng thiếu cơ sở vững chắc, thậm chí, bằng chứng “ngụy tạo”. Cũng từ việc cấp huyện “hậu thuẫn mở đường” cho “kẻ ghen ngược” kháng án lên cấp tối cao đã phát sinh những hệ lụy khó lường. Nguy hiểm nhất là do kéo dài tranh chấp, kéo theo những tiêu cực, bất ổn ở mọi phía, từ cấp cơ sở đến các cấp.

Trật tự, kỷ cương có thể vãn hồi?

Như đã đưa tin, phóng viên đã nêu những điều rất cần minh bạch hóa khi các chứng cứ được Tòa Hành chính - TAND Tối cao năm 2005 dùng làm căn cứ để đưa ra một quyết định không thuyết phục nhân tâm và có biểu hiện chưa chuẩn về thể thức theo quy định pháp luật hiện hành.

“Chưa chuẩn về thể thức” ở Quyết định số 01/GĐT-HC ngày 24/1/2005 của Tòa Hành chính, đó là, trước nhất là việc vận dụng, giải thích pháp lý chưa thuyết phục cấp phúc thẩm; tiếp đó, lẽ ra khi đã có ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao (tại Quyết định số 06/HC-TK ngày 30/11/2004) thì vụ án khởi kiện hành chính cần được trả lại “vạch xuất phát”, tức tái khởi sự việc tố tụng từ cấp sơ thẩm.

Nhưng không như vậy, Tòa Hành chính đã toàn quyền phủ quyết bản án có lý, có tình của TAND tỉnh Cà Mau và tuyên buộc nguyên đơn phải chịu ép, như “cách nhìn” của cấp sơ thẩm. Tòa Hành chính còn chưa xác minh, làm rõ các tình tiết bổ sung từ cơ quan chức năng của địa phương đơn phương dùng “bình phong” là mối quan hệ thân tộc để “khỏa lấp” những cam kết khi lấy đất làm kênh mương và tiếp đó là xây dựng chợ. Có những chứng cứ còn gây bất ngờ cho chính những người được coi là “trong cuộc”…

Trao đổi về vụ kiện này, một luật sư của Đoàn Luật sư Cần Thơ cho rằng, họ (Tòa Hành chính - TAND Tối cao) xuất phát căn cứ hoàn toàn vào Luật Thừa kế tài sản (cũ) để xét xử, bất chấp nó đã hết thời hiệu (ông Chuyển chết năm 1990 nhưng đến năm 2002 thụ lý vụ tranh chấp), không tham khảo Luật Đất đai cũng như diễn biến thực tế quá trình sử dụng đất (trực canh) của ông Phan Thanh Dân (Vân); diễn biến của quá trình trao đổi, thương lượng với ông Dân về các việc: thu hồi đất, đào kinh, lập chợ của chính quyền địa phương (năm 1995 và trước đó) đối với một phần của diện tích đất tranh chấp 5.184m2 (18.700m2/13.516 m2)… Tất cả đã làm lộ rõ cung cách “phủ binh huyện” của quyết định 01/GĐT-HC ngày 24/1/2005 của Tòa Hành chính.

Trở lại góc nhìn của chúng tôi, nếu chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Cái Nước, nay là Phú Tân có được sự nghiêm túc và tôn trọng vai trò của chính mình thì sự việc không đi quá xa như vậy. Niềm tin của người dân, hơn lúc nào hết, là cần một bầu không khí minh bạch, sòng phẳng và đủ sức thuyết phục trước sự hạn chế nhất định của bà con. Phải thật sự là “chính quyền của dân, do dân và vì dân” thì sẽ tránh xa những suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa và sai lạc con đường tươi đẹp đã chọn và phấn đấu không ngừng nghỉ.

Chúng tôi còn trở lại vấn đề này khi có thêm thông tin mới.

 

Hồng Ân - Hồng Minh - (giadinhvaphapluat.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội