Tại Đồng Nai, "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước, dù chưa phát hiện heo bị nhiễm bệnh, song cả người nuôi lẫn cơ quan quản lý hiện đang "căng mình" phòng chống "cơn bão" dịch tả heo châu Phi.
Lập chốt kiểm dịch tạm thời
UBND tỉnh Đồng Nai đã lập Kế hoạch số 2064 về phòng chống dịch tả heo châu Phi, tập trung tuyên truyền phòng chống, giám sát và cảnh báo dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển heo, khử trùng tiêu độc vùng nuôi heo, thống kê đàn heo và thành lập đoàn công tác các cấp để kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở trên địa bàn. Do địa phương này có các tuyến quốc lộ đi qua, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong đó, chốt số 1 nằm trên Quốc lộ 20, tại điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, chốt số 2 trên Quốc lộ 1, giáp ranh Đồng Nai và Bình Thuận. Các chốt này sẽ kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua khu vực.
Tiêu độc khử trùng cho xe chở heo tại Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông Thủ Đức Ảnh: NGỌC ÁNH
Ông Nguyễn Văn Hiệp, chủ trang trại heo khoảng 600 con ở huyện Thống Nhất, cho biết thông tin dịch tả heo châu Phi đã trở thành mối lo nặng nề với những người nuôi heo nhưng ông hiểu rằng cần phải hiệp sức với cơ quan chức năng để chống dịch bệnh quyết liệt. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: "Đồng Nai hiện có tổng đàn heo đứng đầu cả nước với khoảng 2,4 triệu con, ngay khi nắm thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở phía Bắc, tỉnh đã tổ chức các hội nghị để cung cấp cho người chăn nuôi thông tin về dịch và các giải pháp phòng chống, đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ để phát hiện những trường hợp bất thường".
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này đã khẩn trương tổ chức giám sát chặt chẽ đối với người và phương tiện vận chuyển heo, tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu heo; tiến hành công tác tiêu độc khử trùng tại các trang trại chăn nuôi... Đồng thời, phối hợp với huyện Châu Đức (địa phương có tổng đàn heo lớn) tổ chức tiêm phòng bổ sung cho hơn 30.000 con heo mới sinh hoặc vừa nhập nuôi. Bên cạnh đó, lực lượng công an tỉnh được yêu cầu bố trí lực lượng trực 24/24 tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, phối hợp kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh.
TP HCM dừng nhập heo của các tỉnh phía Bắc
Chiều 6-3, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM cho biết do các lò mổ trên địa bàn không tiếp nhận các nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nên nguồn heo này chủ yếu về các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… Các xe vận chuyển heo đăng ký chạy đường cao tốc nên không đi ngang qua các trạm kiểm dịch cửa ngõ đóng trên địa bàn TP HCM để thực hiện phúc kiểm mà sẽ được kiểm tra tại điểm đến, những xe chở heo từ các tỉnh lân cận về TP HCM đều được phun xịt tiêu độc khử trùng. Để chặn lây lan dịch bệnh, UBND TP HCM đã đề xuất cấm vận chuyển heo từ Bắc vào Nam và đề nghị các tỉnh chấn chỉnh công tác kiểm dịch heo xuất tỉnh; tạm dừng hoạt động các vựa mua bán heo, tránh các thương nhân "rửa nguồn" heo bệnh. Theo ông Phạm Thành Hiệp, chủ cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (TP HCM), dân trong nghề có thể nhận biết được nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc và không nhận hàng để tránh rủi ro.
Tại tỉnh Tiền Giang, từ sáng 5-3, tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại cầu Mỹ Lợi (thị xã Gò Công) và xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) để khi dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao thì tổ chức giảm sát sự lưu hành virus dịch, giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ, kiểm dịch tại các cơ sở thu gom heo. Ngoài ra, tỉnh tổ chức kiểm soát không để heo và sản phẩm heo được vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát…
Tại tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Cảnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, lập các chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát 24/24 đối với heo và sản phẩm heo ra vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Thêm Hòa Bình, Điện Biên bùng phát dịch
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 6-3, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 331 hộ, 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh, TP (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Điện Biên và Hòa Bình), với tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 6.471 con. Như vậy, tỉnh Điện Biên và Hòa Bình là 2 địa phương mới nhất xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Ngày 6-3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có mặt cùng lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo giám sát tiêu hủy, khoanh vùng và triển khai công tác phòng chống dịch. Dự kiến, ông Tiến cũng sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch tại tỉnh Điện Biên.
Trước thông tin diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, nhất là dịch đã bùng phát tại 2 tỉnh Hòa Bình và Điện Biên và có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh Tây Bắc, UBND tỉnh Sơn La vừa tức tốc ban hành quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi và bản Bãi Đu, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo và sản phẩm của heo vào địa bàn tỉnh Sơn La.
V.Duẩn