Theo báo cáo cập nhật của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 17-3, cả nước đã có tổng cộng 18 tỉnh, thành nhiễm dịch tả heo châu Phi (DTHCP).
Ổ dịch lan rộng, phức tạp
18 tỉnh, thành xuất hiện DTHCP đều là các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó mới nhất là tỉnh Bắc Ninh.
Chốt kiểm dịch được lập 24/24 giờ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa để ngăn tả heo châu Phi lan rộng Ảnh: THANH TUẤN
Theo đó, ngày 16-3, lực lượng chức năng phát hiện 94 con heo tại 3 hộ dân ở các xã Đại Xuân (huyện Quế Võ), Tam Đa (huyện Yên Phong) bị nhiễm DTHCP. Tỉnh Bắc Ninh đã tiêu hủy toàn bộ số heo này, đồng thời thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, khu vực xung quanh bằng vôi bột, hóa chất…
Ngoài Bắc Ninh vừa xuất hiện ổ dịch, tình hình DTHCP được đánh giá diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng ở ngay các địa phương đã xuất hiện ổ dịch. Điển hình là Thanh Hóa vừa ghi nhận thêm ổ dịch mới tại xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa.
Ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh, chiều 17-3 xác nhận chuồng nuôi 4 con heo của 1 hộ dân tại thôn Đông, xã Đông Lĩnh bị phát hiện dương tính với DTHCP. "Chiều 16-3, chúng tôi nhận được kết quả kiểm nghiệm nên đã cho tiêu hủy ngay theo quy định" - ông Chung thông tin.
Như vậy, sau 23 ngày từ thời điểm xuất hiện ổ DTHCP đầu tiên, đến 17 giờ ngày 17-3, tại Thanh Hóa đã có 25 hộ của 14 thôn, 12 xã/phường ở 2 huyện Yên Định, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa có DTHCP. Tới nay, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 667 con heo nhiễm bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra chỉ thị, yêu cầu cả hệ thống chính trị các cấp của tỉnh tập trung phòng chống dịch. Ngoài các chốt ở những nơi có dịch, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thành lập 4 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời trên tuyến đường Hồ Chí Minh (2 chốt); Quốc lộ 10 và Quốc lộ 217; tăng cường thêm lực lượng cho 2 chốt trên Quốc lộ 1A (tại Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn và cầu Ghép, huyện Tĩnh Gia). Tại các chốt này, những ngày qua, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là các xe chở heo vào phía Nam. Báo cáo từ các chốt này cho biết chưa phát hiện trường hợp vận chuyển heo nhiễm dịch.
Chốt chặn 24/24 giờ
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh, thành đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn DTHCP. Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch, đến thời điểm này, dịch bệnh chưa lây lan đến Quảng Bình.
Trước đó, ngày 11-3, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để ngăn chặn dịch lây lan từ các tỉnh phía Bắc. Trong đó, 1 chốt đặt trên Quốc lộ 1 (đặt tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) và 1 chốt trên đường Hồ Chí Minh (đặt tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa - giáp với tỉnh Hà Tĩnh). Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng chốt kiểm dịch động vật tạm thời Quốc lộ 1, xác nhận sau 6 ngày lập chốt, qua kiểm tra hàng trăm ôtô vận chuyển heo từ phía Bắc đi qua địa bàn, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp xe vận chuyển gia súc nhiễm bệnh hay có dấu hiệu nhiễm DTHCP. "Bất cứ xe nào chở động vật đi qua, nhất là chở heo, chúng tôi đều kiểm tra kỹ lưỡng, đồng thời thực hiện đóng dấu niêm phong thùng xe, xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng xung quanh thân ôtô. Các cán bộ phải thay nhau làm việc 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ" - ông Phương khẳng định.
Ngoài việc thành lập chốt kiểm dịch, tỉnh Quảng Bình còn nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Quảng Bình, do ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng ban. Trách nhiệm của 28 thành viên trong ban là bám sát cơ sở, nắm chắc diễn biến của DTHCP và các dịch bệnh khác để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những giải pháp ứng phó kịp thời và có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận tình trạng DTHCP. Hiện tại, ngành thú y túc trực ở lò mổ gia súc 24/24 giờ để kiểm tra lâm sàng heo, tiêu độc khử trùng, kiểm soát chặt chẽ đối với lượng heo nhập vào.
Những ngày qua, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có nhiều đêm thị sát, kiểm tra các lò mổ. UBND tỉnh này cũng đã ban hành chỉ thị tăng cường phòng chống dịch; kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch.
Tại Đồng Nai - "thủ phủ heo" của cả nước - công tác phòng chống dịch diễn ra rất quyết liệt. Chốt kiểm dịch tạm thời trên Quốc lộ 1 (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc - giáp tỉnh Bình Thuận) lực lượng chức năng gồm cán bộ địa phương, chuyên viên thú y, CSGT, QLTT, dân quân… ngày đêm túc trực để kiểm soát nguồn heo, phun thuốc khử trùng… trước khi cho xe chở heo vào tỉnh. Chốt kiểm dịch tạm thời khác trên Quốc lộ 20 thuộc xã Phú Bình, huyện Tân Phú giáp tỉnh Lâm Đồng cũng bảo đảm đầy đủ quân số. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai, nói tùy tình hình diễn biến có thể triển khai thêm các chốt chặn ở phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm giao Quốc lộ 1 - Quốc lộ 20. Còn hiện tại, tình hình vẫn đang an toàn.
Ninh Thuận: Bác bỏ thông tin nhiễm tả heo châu Phi
Ngày 17-3, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận đã chính thức thông báo số heo lai của nhiều nông hộ ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc bị chết là do bị bệnh tả thông thường, không phải mắc DTHCP như lời đồn đoán.
Trước đó, khoảng một tuần lễ trở lại đây, có một số con heo vài tháng tuổi ở địa phương này bị chết, với một số triệu chứng như bỏ ăn, tiêu chảy… Tuy nhiên, một vài phương tiện truyền thông thông tin đã có hàng chục con heo ở địa phương này chết nghi do nhiễm DTHCP, khiến người chăn nuôi hoang mang. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận, thực tế chỉ có 2 con heo con chết do bệnh rối loạn tiêu hóa thông thường.
Sở NN-PTNT cũng bác bỏ thông tin cho rằng heo chết được người chăn nuôi đem vứt ở các bụi cây hoặc làm thịt ăn.