Trước tình hình sạt lở diễn biến ngày càng bất thường và phức tạp, chính quyền địa phương và người dân khu vực ĐBSCL luôn "đau đầu" tìm giải pháp khắc phục, dù đã dốc toàn lực để đối phó.
Cầu cứu trung ương
Nằm trong vùng rốn lũ, Đồng Tháp là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở với mức độ ngày càng trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã có kiến nghị với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai để xin kinh phí khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông. "Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 6.000 hộ dân sinh sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm cần được di dời về nơi an toàn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 151 tỉ đồng để gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao, cơ sở hạ tầng" - ông Hùng thông tin.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, phụ trách Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, sự xâm thực của biển trong thời gian gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh hơn với diễn biến phức tạp, khó lường và mức độ xói lở rất nguy hiểm. Nếu không có giải pháp kịp thời hay tích cực phòng chống xói lở bờ biển thì các tác động xấu sẽ ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như các công trình khác trong khu vực. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển ở các khu vực xói lở, các công trình phá sóng tạo bồi, bãi, phục hồi rừng ngập mặn… là rất lớn, ngoài khả năng của địa phương.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy một số đoạn bờ biển đã xảy ra hiện tượng xói lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 64 km. Trong số này có hơn 31 km xói lở đặc biệt nguy hiểm thuộc các huyện An Biên, An Minh và Hòn Đất. Ước tính tổng kinh phí thực hiện các giải pháp đối phó và khắc phục tình trạng này là hơn 1.060 tỉ đồng. Đến nay, trung ương mới chỉ có kế hoạch hỗ trợ địa phương khoảng 302 tỉ đồng để xây dựng các công trình bảo vệ cho 16,5 km ở khu vực cấp thiết thuộc đoạn từ Tiểu Dừa đến Chủ Vàng (huyện An Minh), Mũi Rãnh (huyện An Biên) và khu vực xã Bình Giang (huyện Hòn Đất). Riêng huyện Hòn Đất đang gia cố tạm thời bằng cừ tràm hoặc đắp đất xử lý khẩn cấp cho đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất có chiều dài 120 m tại khu vực thị trấn Sóc Sơn với nguồn kinh phí chỉ vỏn vẹn 120 triệu đồng. "Từ giữa năm ngoái, UBND tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình xin trung ương hỗ trợ kinh phí 300 tỉ đồng để kịp thời khắc phục các đoạn sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm nhưng đến nay địa phương mới nhận được một phần không đáng kể. Đối với những đoạn bờ sông bị sạt lở, các địa phương mới chỉ thực hiện kè lát mái bằng bê-tông hoặc kè tường chắn bê-tông cốt thép được hơn 33 km. Riêng những khu vực sạt lở còn lại được người dân địa phương tự xử bằng cọc và tấm đan bê-tông hoặc cừ dừa, cừ tràm, đắp đất để gia cố bờ sông, tránh bị ảnh hưởng đến công trình và bảo vệ diện tích đất ven sông" - ông Trung nói.
Khu vực bờ sông Cái Sắn (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) đang tiếp tục sạt lở nguy hiểm
Siết chặt khai thác cát
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, UBND các địa phương cần nhanh chóng có phương án sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân khu vực sạt lở, trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định; tiếp tục cấm phương tiện tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao; cắm biển báo sạt lở và hướng dẫn tuyến giao thông thay thế bảo đảm giao thông không bị tắc nghẽn. Sở này cũng đang theo dõi, quan trắc, khảo sát các đoạn sông xảy ra sạt lở để kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để triển khai các dự án chỉnh trị dòng chảy. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp hỗ trợ các địa phương rà soát, khảo sát, thiết kế, gia cố hoặc thay thế các tuyến đường giao thông có nguy cơ hoặc sạt lở nguy hiểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gấp rút khảo sát chi tiết các đoạn đã cảnh báo sạt lở để đề xuất các giải pháp gia cố hạn chế sạt lở như: thả rọ đá, bao cát bằng vải địa kỹ thuật hoặc các loại bó cây tre hoặc nhánh cây làm đổi hướng và giảm lực dòng chảy, sóng…
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, một trong những tác nhân chính gây sạt lở bờ sông ở ĐBSCL là do tình trạng khai thác cát trái phép bừa bãi. Việc quy hoạch khu vực khai thác cát cũng đã được các bộ - ngành cùng chính quyền địa phương thực hiện từ lâu nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên tái diễn và gây bức xúc cho người dân có đất ven sông bị sạt lở. "Các bộ - ngành và địa phương phải kiên quyết xử lý những doanh nghiệp khai thác cát trái phép cũng như những đơn vị được giao quản lý nhưng lại thờ ơ hoặc thiếu trách nhiệm. Các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện khảo sát các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao để di dời dân đến nơi an toàn" - GS-TS Võ Tòng Xuân đề nghị.
Cũng theo vị giáo sư này, các vết nứt xuất hiện và lớn dần từ dưới lên; trong khi nhà cửa, cơ sở hạ tầng khác đè nặng bên trên nên sạt lở diễn ra rất nhanh chóng. Nghịch lý là cư dân vùng ĐBSCL thường thích xây nhà ven sông để tiện sinh hoạt mà bất chấp hiểm nguy đã được ngành chức năng hay các chuyên gia cảnh báo. Tại các khu vực có đông dân cư sinh sống như thế này hoặc thường xuyên bị sạt lở thì ngành chức năng cũng nên gắn biển giới hạn tốc độ đối với các loại ghe, tàu, vỏ lãi, canô để hạn chế tác động của sóng vỗ bờ.
Trồng cây đặc hữu để chắn sóng
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, biện pháp làm kè bê-tông chắn sóng, chống sạt lở rất tốn kém và không phải nơi nào cũng có thể áp dụng được, nhất là ở những nơi sát mé bờ sông có vực sâu hàng chục mét. Giải pháp hiệu quả lâu bền đối với những nơi không thể làm kè thì chính quyền địa phương nên vận động người dân tham gia trồng các loại cây đặc hữu để chắn sóng bảo vệ bờ sông lẫn bờ biển.