Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, nắng nóng những ngày qua khiến tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh gần 300 ha, thiệt hại từ 30%-50% diện tích. Riêng tôm công nghiệp có hơn 5 ha diện tích nuôi bị nhiễm bệnh và chết, tập trung tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và Ngọc Hiển.
Tôm bệnh, lúa chết
Gia đình ông Nguyễn Văn Lượm (ngụ huyện Cái Nước) nuôi 3 ha tôm quảng canh, tuy nhiên, nhiều tháng qua tôm thường xuyên chết do ảnh hưởng của nắng nóng khiến gia đình thua lỗ. "Nếu cứ nắng như thế này thì chắc tôi và nhiều người nuôi tôm ở đây sẽ khổ dài dài. Tôi đang tìm hiểu về khả năng chịu mặn của một số loài thủy sản khác để nuôi kết hợp trong vuông tôm nhằm giảm bớt rủi ro" - ông Lượm nói.
Vào thời gian cao điểm mùa khô, nước được bơm vào rừng tràm Trà Sư để bảo vệ rừng Ảnh: THỐT NỐT
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối tháng 3, diện tích tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 2.028 ha, tăng gần 900 ha so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trên 70% diện tích tôm bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao làm tôm bị sốc; do vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, một số ít bị bệnh đốm trắng, đỏ thân, phân trắng... Bên cạnh đó, nắng nóng làm tôm hoạt động nhiều, mất nhiều năng lượng và tiêu thụ thức ăn nhiều hơn bình thường.
Ông Nguyễn Công Lý (ngụ xã Phương Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) lo lắng: "Tôi vừa sạ lúa hè thu được khoảng 10 ngày, nhưng nắng nóng kéo dài làm đất ruộng xì phèn, nhất là ở gò cao, vì thế lúa ngộ độc phèn không phát triển được. Trong 1 ha canh tác thì có gần 1 công bị ngộ độc. Ngoài ra, nắng nóng cũng làm cây lúa dễ bị bệnh đạo ôn".
Dự báo trước tình hình nắng nóng gay gắt, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho rằng trước tình hình nắng nóng kéo dài độ mặn sẽ tăng, diễn biến của hạn mặn sẽ phức tạp hơn. "Bà con nên xuống giống lúa theo lịch của ngành chức năng đưa ra, những vùng có nguy cơ mặn tăng cao nên thường xuyên theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng" - ông Toàn khuyến cáo.
Dồn sức bảo vệ rừng
Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết từ tháng 2 đến tháng 5, ở khu vực Nam Bộ, lượng mưa thiếu hụt khoảng 20%-40%, có thể gây hạn hán, nguy cơ cháy rừng và cháy lớn rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm trên địa bàn tỉnh An Giang.
"An Giang đang dốc sức bảo vệ cho hơn 4.899 ha diện tích rừng vì được cảnh báo cháy cấp V (cấp cháy cực kỳ nguy hiểm). Kiểm lâm đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí gần 1,4 tỉ đồng phục vụ cho PCCC rừng trong năm 2019. Đồng thời, hợp đồng thêm lực lượng tuần tra, canh phòng ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao…" - ông Hòa nói.
Lực lượng chức năng đã thực hiện việc phát dọn, xây dựng đường băng cản lửa chống cháy lan tại các khu vực trọng điểm thuộc núi Cấm và núi Phú Cường (huyện Tịnh Biên), núi Sam (TP Châu Đốc) với tổng diện tích gần 26 ha và đốt chủ động, chống cháy lan vào rừng tại một số ngọn núi thuộc huyện Tri Tôn với khoảng 15 ha. Riêng đối với diện tích rừng tràm vùng đồng bằng, thực hiện đốt chủ động tạo vùng đệm ngăn cách giữa rừng và đất sản xuất nông nghiệp cũng như phát dọn cỏ trên các tuyến kênh mương thành những băng trắng chống cháy lan hoặc bơm nước vào rừng tràm Trà Sư trong thời gian cao điểm mùa khô. Ngoài ra, đối với rừng tràm Tân Tuyến, Chi cục Kiểm lâm đã cày đất tạo băng trắng chống cháy lan đối với khu vực có nguy cơ cháy cao do lượng thực bì rất dày tại rừng tràm Tân Tuyến với diện tích 3,3 ha.
Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, từ cuối tháng 2 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến cho cây rừng khô héo, mực nước các tuyến kênh khô cạn, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao (dự báo cháy rừng cấp V). Vườn chim có khả năng sẽ xảy ra cháy và lan nhanh trên diện rộng nên Ban Quản lý Vườn chim và các ngành chức năng đang dồn sức bảo vệ.
Chuyển đổi để thích ứng
Tại hội nghị về nông nghiệp diễn ra ở Đồng Tháp vào ngày 15-4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu nên cần thay đổi tư duy để thích ứng; chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang phát triển nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng các địa phương không nên chạy theo cây lúa mà hướng sản xuất theo kiểu thích ứng cho từng vùng cụ thể. Chỗ mặn thì nuôi tôm để tránh thiệt hại cho cây lúa. Những chỗ quá mặn thì chờ mưa để trồng lúa hoặc dùng nước giếng bơm pha loãng mặn để nuôi tôm. Thực tế cho thấy ở những nơi vừa thu hoạch lúa thì nông dân thả nuôi tôm vào rất tốt. Hàng chục năm trước, khi nước mặn xâm nhập thường mang theo nguồn lợi thủy sản phong phú như tép biển hay cá kèo vào ruộng lúa để sinh sản. Sau này, khi tôm sú có giá hơn nên nông dân mua con giống thả nhưng lại trễ mùa lúa.