Trưa nay 7-5, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đã có buổi thưởng thức ẩm thực đường phố Hà Nội tại một quán cóc nhân chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 6 đến 8-5.
Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đã có buổi thưởng thức ẩm thực đường phố Hà Nội
Sau khi hoàn tất chương trình làm việc buổi sáng, Công chúa Victoria cùng với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg, các tùy tùng và nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã tới một quán ăn nhỏ trong con ngõ trên đường Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tại đây, Công chúa Victoria đã cùng mọi người thưởng thức món bún trộn Nam Bộ với giá 35.000 đồng/bát.
Trước đó, sáng cùng ngày, Công chúa Victoria đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển và có buổi gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria vui mừng được thăm Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, lần đầu tiên có đoàn doanh nghiệp đông đảo tháp tùng, bao gồm hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển. Hai bên đã trao đổi, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục, viễn thông, đô thị thông minh… nhất là những lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam đang cần trong công cuộc phát triển đất nước như công nghiệp, chế biến, công nghiệp phụ trợ, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường, xây dựng đô thị thông minh, thông tin-truyền thông.
Phó Thủ tướng tin tưởng đoàn doanh nghiệp Thụy Điển tháp tùng Công chúa trong chuyến thăm lần này sẽ ký kết được nhiều thỏa thuận, hợp đồng với các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương, cũng như đón đầu các cơ hội mới do Hiệp định EVFTA sắp được ký kết mang lại.
Hôm qua 6-5, ngay sau lễ đón chính thức, Công chúa đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và tới chào Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thông qua Công chúa Victoria, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời hỏi thăm và lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Quốc vương và Hoàng hậu thăm Việt Nam.
Hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
50 năm trước, ngày 11-1-1969, Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã có những ủng hộ chân thành và to lớn về tinh thần cũng như vật chất đối với nước ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Olof Palme, người sau này trở thành Thủ tướng của Thụy Điển, là chính trị gia phương Tây đầu tiên đã lên tiếng rất rõ ràng và mạnh mẽ cho rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam thật đáng trách về mặt đạo đức. Hơn 2,7 triệu người dân Thụy Điển, 1/3 dân số Thụy Điển tại thời điểm đó, đã ký đơn lên án cuộc chiến tranh và kêu gọi chấm dứt ngay các vụ ném bom.
Chính phủ Thụy Điển, thông qua cơ quan viện trợ SIDA, đã bắt đầu một chương trình hợp tác phát triển lớn. Hỗ trợ phát triển chính thức kéo dài trong 46 năm và lên tới hơn 4 tỉ USD. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai cho Việt Nam trong thập niên 70, lớn nhất trong thập niên 80 và lớn thứ tư trong thập niên 90. Các công trình mang đậm dấu ấn Thụy Điển là: Bệnh viện Uông Bí và Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, nhà máy giấy Bãi Bằng và các dự án trồng rừng, cải cách hành chính về luật và thuế, dự án hỗ trợ tư pháp. Thụy Điển cũng đã hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế "đổi mới", xóa đói giảm nghèo...
Hiện nay Thụy Điển vẫn hỗ trợ đáng kể cho người dân Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ vùng của Thụy Điển cho khu vực các nước tiểu vùng sông Mê Kông, và thông qua ngân sách viện trợ trong khuôn khổ EU và Liên Hiệp Quốc dành cho Việt Nam.