Dịch tả lợn Châu Phi tấn công: Người chăn nuôi phải tự cứu lấy mình!

Thứ sáu, 24 Tháng 5 2019 10:33 (GMT+7)

Vệ sinh và tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Vệ sinh và tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Trước bệnh dịch tả lợn Châu Phi tấn công và nguy cơ lây lan nhanh, người chăn nuôi đang đứng trước 2 khó khăn rất lớn đó là thiệt hại từ thị trường khi giá heo đang giảm mạnh. Bên cạnh những biện pháp phòng chống, kiểm soát của ngành chức năng thì bản thân người chăn nuôi cũng phải nâng cao nhận thức tự cứu lấy mình và đàn heo!

Không cho heo ăn thức ăn thừa nữa!

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT), trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nuôi heo rừng sử dụng thức ăn thừa chưa qua nấu chín. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến phát sinh dịch bệnh tại các tỉnh phía Bắc.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Dũng- chủ cơ sở nuôi heo rừng (tại Khóm 6, Phường 5- TP Vĩnh Long) bị nhiễm bệnh dịch vừa được phát hiện cũng thừa nhận: “Tôi nuôi heo rừng được 4 năm nay, chủ yếu là cho ăn thức ăn thừa. Trước đây thấy heo cũng khỏe mạnh bình thường nên nghĩ không sao. Tôi cũng có biết thông tin bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng đâu có ngờ lại xảy ra chính nơi mình nuôi”.

Từ khi xuất hiện dịch bệnh, ngành chức năng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp khống chế dịch, hạn chế dịch lây lan ra các khu vực khác. Theo đó, UBND TP Vĩnh Long đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn từ ngày 21/5/2019. Theo đó, vùng dịch là Phường 5 và Phường 8, vùng uy hiếp là bán kính 3km bao gồm các phường xã còn lại của TP Vĩnh Long.

34% nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh là cho heo ăn thức ăn thừa.

34% nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh là cho heo ăn thức ăn thừa.

Về biện pháp xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh, ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Không điều trị heo bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, khi phát hiện heo bị bệnh dịch, ngành thú y đã tiêu hủy toàn đàn trong 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh.

Bên cạnh đó, ngành thú y còn thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch. Theo đó, đối với vùng dịch uy hiếp trong phạm vi 3km đã thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 1 lần/ngày, trong vòng 1 tuần đầu tiên, 3/lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đồng thời, theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con heo nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn Châu Phi.

“Nghiêm cấm vận chuyển heo và các sản phẩm heo ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Không vận chuyển heo con, heo giống ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y”- ông Nguyễn Thành Một cho biết thêm.

Người chăn nuôi hãy tự cứu lấy mình!

Hiện, nhiều người chăn nuôi cũng nơm nớp lo sợ về tình hình dịch bệnh hiện nay. Cô T.T.H. (Chánh Hội- Mang Thít) cho hay: “Trước đây nghe bệnh dịch ở đâu nên cũng còn chưa quan tâm nhưng giờ dịch đã vào tỉnh rồi. Tôi nuôi có hơn 10 con heo mà trước giờ cũng hay cho ăn thức ăn thừa nên tôi lo quá. Nghe khuyến cáo, tôi đã ngưng cho ăn thức ăn thừa, đồng thời tăng cường phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, thêm các khoáng chất để tăng đề kháng cho heo, mong dịch sẽ không lan đến đây”.

Theo nhiều người, nếu như dịch tả lợn Châu Phi lây lan rộng thì hậu quả sẽ khủng khiếp so với cách bệnh khác bởi “bệnh khác còn chữa được, còn dịch tả lợn Châu Phi mà bùng phát là nó lan rất nhanh và chết 100%, không còn cách gì cứu được”- một hộ chăn nuôi heo ở Long Hồ cho hay.

Vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt thực hiện các biện pháp dập dịch và khống chế dịch lây lan của ngành chức năng, để hạn chế tối đa và giảm mức thiệt hại thấp nhất thì quan trọng nhất là ý thức của người chăn nuôi.

Cụ thể, để hạn chế được thấp nhất mức độ lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt.

Người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Trong ảnh: Rắc vôi, khử trùng vùng dịch.

Người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại. Trong ảnh: Rắc vôi, khử trùng vùng dịch.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho rằng: người chăn nuôi phải nhận thức rõ vấn đề là dịch đã đến Vĩnh Long rồi, phải hiểu rõ tác hại và thiệt hại mà bệnh dịch gây ra. Do đó, người chăn nuôi phải tự giữ và bảo vệ lấy đàn heo của mình.

Tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa cho heo, không để người lạ vào chuồng trại, trước khi vào chuồng thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo, thay ủng. Phải cách ly chuồng trại với các nguồn khác có nguy cơ lây bệnh. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa trong biện pháp phòng như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin,…

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội