Đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã có 4 ổ dịch tả heo châu Phi với 113 con heo đã tiêu huỷ tại 4 huyện: Năm Căn 20 con, Phú Tân 24 con, Ngọc Hiển 67 con và Trần Văn Thời 2 con.
Dịch tả heo Châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, xuất hiện thêm ổ dịch thứ 4 tại huyện Trần Văn Thời
Huyện Trần Văn Thời là địa phương có tổng đàn heo nhiều nhất tỉnh, với 31.931 con của gần 4.000 hộ nuôi. Hiện địa phương đang tiếp tục triển khai nhanh các phương án phòng chống dịch, đồng thời giám sát chặt chẽ, thực hiện công tác tiêu độc khử trùng bao vây ổ dịch tại ấp Kinh Cũ trong bán kính 3 km và các khu vực lân cận. Địa phương đang lập nhiều chốt, trạm phum thuốc tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông khi ra vào vùng dịch và kiểm soát chặt chẽ mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông là 2 địa phương giáp ranh với xã Trần Hợi, nơi vừa xảy ra ổ dịch tả heo châu Phi thứ 4 trên địa bàn tỉnh. Trước đó, vào chiều 8/6, Chi cục Thú y vùng VII thông báo kết quả mẫu bệnh phẩm thu tại hộ bà Lương Thị Kiểu, ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời dương tính với dịch tả heo châu Phi. Hộ này có nuôi 2 con heo và cả 2 con đều bị bệnh chết, chính quyền địa phương đã tiêu hủy.
Trước diễn biến bất thường của dịch tả heo Châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ thị tăng cường các hoạt động kiểm tra 24/24 ở tất cả các trạm, chốt; các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm có giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy xác nhận nguồn gốc sản phẩm hợp lệ, trước khi vào địa bàn tỉnh phải được khử trùng đúng qui định; kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân vận chuyển heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền vào địa bàn tỉnh Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, các biện pháp xử lý đối với heo nghi mắc bệnh, heo mắc bệnh, heo chết và biện pháp tiêu hủy, để tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và tích cực thực hiện. Thông tin tuyên truyền phải đúng sự thật, khách quan, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu đối với heo có dấu hiệu bệnh, nghi bệnh tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ; thu giữ, lấy mẫu các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc (thịt đông lạnh, thịt lợn tươi, xúc xích,...) và gửi xét nghiệm tại phòng xét nghiệm có thẩm quyền để xác định nhanh chóng, chính xác kết quả; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu dịch bệnh động vật theo quy định.