Vượt nghịch cảnh để làm giàu

Thứ ba, 18 Tháng 6 2019 11:00 (GMT+7)
Trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL tìm hàng loạt giải pháp để chủ động thích ứng thay vì gồng mình ứng phó

Trên những ưu đãi sẵn có và đối mặt những thách thức từ thiên nhiên, các tỉnh trọng điểm ĐBSCL chủ động tạo dựng những mô hình phát triển kinh tế - xã hội để người dân có thể thích ứng và tiến tới làm giàu trên mảnh đất này.

Kiên Giang: Chuyên canh cánh đồng lớn

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cho trồng hơn 617 ha rừng ngập mặn để bảo vệ hệ thống đê biển và phát triển sinh kế gắn với rừng ven biển. Song song đó, nhiều công trình phòng chống sạt lở, công trình đê, cống phục vụ phòng chống thiên tai, điều tiết nước phục vụ sản xuất được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết trong 2 năm qua, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện rất nhiều dự án kinh tế bền vững như sản xuất luân canh lúa - màu, lúa - tôm, lúa - cá. Thực hiện cánh đồng lớn chuyên canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm từ 62.539 ha vào năm 2017 tăng lên gần 75.000 ha năm 2018. Có 21 doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ giúp nông dân ổn định đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm. "Sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu tới đời sống cư dân ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ, bộ, ngành trung ương xem xét đầu tư xây dựng kè khắc phục, chống sạt lở hoặc nâng cấp đê biển với tổng chiều dài hơn 188 km có tổng kinh phí hơn 3.425 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025" - ông Tâm nói.

Vượt nghịch cảnh để làm giàu - Ảnh 1.

Miền Tây đối diện với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Đê biển Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) bị sạt lở nghiêm trọngẢnh: PHÚC NGUYÊN

An Giang: Liên kết A-B-C-Đ

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết An Giang cũng là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL với tổng diện tích đất nông nghiệp gần 247.000 ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 82%. An Giang đã xác định liên kết vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết các vần đề xã hội, ứng phó BĐKH và quản lý, sử dụng tài nguyên. Do đó, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ và mô hình liên kết A-B-C-Đ Mê Kông (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp).

An Giang kiến nghị trung ương sớm ban hành nghị định và các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch. Đồng thời, sớm ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL để các tỉnh có cơ sở triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh và là cơ sở để triển khai các hoạt động liên kết vùng; sớm ban hành các chính sách chung cho toàn vùng để làm cơ sở cho các địa phương trong vùng trọng điểm thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung cho toàn vùng ĐBSCL.

Cà Mau: Bảo đảm sinh kế cho người dân

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó BĐKH. Tỉnh đã khẩn trương lập kế hoạch chống hạn, xâm nhập mặn cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng và từng đối tượng khác nhau; chủ động đắp toàn bộ các đập trong lâm phần để trữ nước phòng chống cháy rừng mùa khô hằng năm; đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án kè chống sạt lở đê biển Tây; nâng cấp đê biển Tây và xây dựng hệ thống đê biển Đông...

Thực hiện Nghị quyết 120, Cà Mau phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực ĐBSCL, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình của khu vực. Tỉnh cũng kiến nghị trung ương cần điều chỉnh để kết nối hệ thống đường bộ của ĐBSCL với các trục giao thông bộ của quốc gia; cần khai thác hệ thống giao thông đường thủy kết nối với các bến, bãi bốc xếp hàng hóa cho vùng; khi phân bổ nguồn lực đầu tư tái định cư cần tính đến việc bảo đảm sinh kế cho người dân; cần có cơ chế và chính sách đặc thù để thu hút nhà đầu tư cho vùng ĐBSCL. 

Bạc Liêu: Chi 20.000 tỉ đồng ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết UBND tỉnh đã và đang triển khai các dự án về ứng phó BĐKH với tổng kinh phí hơn 20.000 tỉ đồng. Hiện 16 dự án giai đoạn 2012 - 2020 với nguồn kinh phí hơn 3.000 tỉ đồng đang được thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của BĐKH, nhất là nước biển dâng như: tiểu dự án nâng cấp tuyến đê biển Đông, tiểu dự án kè chống sạt lở khu vực cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu), tiểu dự án thí điểm "đê mềm" để gây bồi tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển.

DUY NHÂN - THỐT NỐT - CA LINH - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội