Tạo chuyển biến, làm đòn bẩy để ĐBSCL phát triển bền vững

Thứ tư, 19 Tháng 6 2019 15:17 (GMT+7)
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP định hướng chiến lược cho phát triển bền vững ĐBSCL. Nhờ đó, vùng này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.

ĐBSCL rất cần một định hướng chiến lược để phát triển và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ảnh: VINH HIỂN

ĐBSCL rất cần một định hướng chiến lược để phát triển và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ảnh: VINH HIỂN

Ấn tượng tăng trưởng GDP

Thành tựu sau 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết thể hiện ở tăng trưởng GDP ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế trong vùng đã có những chuyển dịch tích cực: sản xuất nông nghiệp tăng về thủy sản, trái cây, giảm lúa; hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.

Công nghiệp đi vào tập trung phát triển xanh, ít phát thải; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời…

Nhiều công trình, dự án thủy lợi, các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu đã được triển khai thực hiện phục vụ phát triển ĐBSCL… Qua đó, tăng cường ngăn mặn, kiểm soát triều cường.

An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa; các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được chú trọng, giữ gìn bên cạnh việc phát huy các di sản thiên nhiên văn hóa.

Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, Nghị quyết số 120/NQ-CP ra đời rất kịp thời nhằm định hướng chiến lược cho phát triển của ĐBSCL trước bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức và xu thế ngày càng gia tăng tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thực tiễn 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết cho thấy, việc kế thừa thành quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích hợp, lồng ghép kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học- công nghệ, các dự án phát triển đã và đang được các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện trong những năm qua vào quá trình triển khai thực hiện đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL.

Nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống, đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn; xây dựng bổ sung các cụm- tuyến dân cư…

Tại Vĩnh Long, đã lồng ghép thích ứng BĐKH, ứng phó rủi ro thiên tai trong xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm (2017- 2018), tỉnh đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng trên 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi lớn, nhỏ ứng phó.

Chủ động ứng dụng công nghệ mới trong khảo sát, thiết kế, thi công công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu- chống ngập, úng, hạn hán…

Bên cạnh, tỉnh cũng đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trình UBND tỉnh ban hành đề án cơ cấu lại kinh tế gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, có cập nhật, tính toán phù hợp mục tiêu ứng phó BĐKH.

Cần cơ chế đặc biệt cho ĐBSCL

Thực tiễn cũng cho thấy, 2 năm triển khai thực hiện nghị quyết còn tồn tại, hạn chế, thể hiện trong huy động và phát triển nguồn lực cho phát triển ĐBSCL, bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Phát triển vùng vẫn còn nguyên những tồn tại, tính khả thi không cao.

Điểm sạt lở nghiêm trọng tại sông Vàm Nao (An Giang).

Điểm sạt lở nghiêm trọng tại sông Vàm Nao (An Giang).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia, nhưng đang chịu tác động của nước biển dâng, khai thác sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mekong.

Điều đáng báo động là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang xảy ra ở hầu hết các tỉnh, đe dọa đến sự ổn định của đồng bằng và đời sống người dân.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm, đặc biệt, các chính sách đẩy mạnh phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL.

Một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, đồng bộ với nguồn lực thực hiện dẫn đến hiệu quả chính sách không cao

. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân vùng kinh tế theo ngành, lãnh thổ dựa vào các điều kiện tự nhiên còn chậm, vẫn còn xung đột phát triển giữa các loại hình kinh tế dẫn đến hiệu quả kinh tế- xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững.

Nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) chịu tác động nặng nề trong đợt xâm nhập mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) chịu tác động nặng nề trong đợt xâm nhập mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề sụt lún, sạt lở mặc dù đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư khắc phục nhưng vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ông Hoàng Văn Bảy- Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL cho thấy có 306 mốc lún, 33 mốc không lún hoặc nâng so với năm 2005.

Việc huy động và phát triển nguồn lực cho phát triển ĐBSCL bao gồm nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ mặc dù đã có nhiều chuyển biến mạnh nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Tại diễn đàn chuyên đề “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL”, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng về nguồn lực, phải đưa ra được giải pháp thật hữu hiệu và căn cơ.

Cụ thể là cơ chế nào, nguồn vốn, cách thức nào để thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất. Bởi với cơ chế như hiện nay thì rất khó cho vấn đề điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vào ĐBSCL.

Trên cơ sở các báo cáo đánh giá kết quả tổng hợp đạt được của các bộ, ngành, địa phương từ khi thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP đối với từng lĩnh vực cụ thể được giao, cũng như các báo cáo tổng hợp của các diễn đàn chuyên đề, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ đánh giá thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc.

Qua đó, đề ra trong chương trình hành động tổng thể thực hiện. Xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng để đưa những nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP vào thực tiễn của vùng ĐBSCL thời gian tới.

Trong khuôn khổ hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, tại TP Hồ Chí Minh (diễn ra từ ngày 17-18/6/2019), sáng 18/6 đã diễn ra 4 diễn đàn chuyên đề gồm: “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL” do Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì; “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp- PTNT chủ trì; “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL” do Bộ Giao thông- Vận tải chủ trì; “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch- Đầu tư chủ trì. Các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung phân tích những tác động của BĐKH, cụ thể là tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng cao, xói lở bờ sông, bờ biển, giảm lượng phù sa và sụt lún đất mặt… là thực trạng nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đang hứng chịu. Qua đó, đưa ra những giải pháp, khuyến nghị để có thể thích ứng và “sống chung” trong thời gian tới.

 NHÓM PV - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội