Quyết đẩy lùi tín dụng đen

Thứ sáu, 21 Tháng 6 2019 10:09 (GMT+7)
Có trường hợp không có khả năng trả nợ, nạn nhân đã bị các nhóm tín dụng đen phạt lãi suất lên đến 960%/năm

Ngày 20-6, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh này đã trấn áp mạnh các nhóm tín dụng đen, khởi tố 3 vụ, triệt xóa, làm tan rã 53 trong tổng số 60 nhóm với hơn 150 đối tượng cho vay với lãi suất "cắt cổ".

Chửi bới, đánh đập, xiết nợ

Đang cần tiền trả nợ mua phân bón, bà H’Bet Knul (ngụ xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) tình cờ thấy tờ rơi "cho vay trả góp lãi suất thấp" nên liên hệ số điện thoại in sẵn. Khoảng 30 phút sau, 2 thanh niên đến tận nhà, bà H’Bet Knul đưa CMND và sổ hộ khẩu thì được vay 30 triệu đồng. "Do trả góp mỗi ngày gần 1 triệu đồng nên nhiều hôm tôi chưa kịp xoay tiền thì bị nhóm đối tượng chửi bới, đe dọa rồi đánh đập khiến gia đình vô cùng lo lắng" - bà H’Bet Knul nói.

Quyết đẩy lùi tín dụng đen - Ảnh 1.

Một băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông Ảnh: CAO NGUYÊN

Tương tự, bà Lai Mỹ Dung (ngụ huyện Buôn Đôn) vay 10 triệu đồng của một phụ nữ, sau đó bà phải trả 80 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Do số tiền quá lớn, chưa có để trả, bà Dung đã bị nhóm cho vay đến nhà uy hiếp, ép vợ chồng bà viết giấy nợ với số tiền lớn và cưỡng đoạt nhiều tài sản.

Tại tỉnh Bình Thuận, đầu năm 2019, bà N.T.H (ở phường Phú Thủy, TP Phan Thiết) đã bị các đối tượng cho vay nặng lãi chém đứt 3 ngón tay. Trước đó, bà H. đã vay của các đối tượng này 90 triệu đồng với lãi suất 5 triệu đồng/tháng, đến thời điểm xảy ra vụ việc, tiền gốc và lãi lên đến hơn 200 triệu đồng nên bà H. không có khả năng trả nợ. Còn bà N.T.M.H (ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc) do thiếu các đối tượng cho vay nặng lãi 114 triệu đồng, vào tháng 4 vừa qua, bà đã bị một nhóm 5 thanh niên cùng chủ nợ đến tận nhà đánh đập, bắt cóc bà gây áp lực với người thân để đòi tiền chuộc. Các đối tượng trong 2 vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen nêu trên đã bị Công an tỉnh Bình Thuận tạm giữ hình sự để điều tra.

Trước thực trạng tín dụng đen lộng hành, lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Lắk và Bình Thuận đã có công văn khẩn chỉ đạo cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an là nòng cốt, vào cuộc đấu tranh, trấn áp các băng nhóm hoạt động tín dụng đen.

Khó cũng phải dẹp

Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Đắk Nông, cho hay phương thức hoạt động của các nhóm tín dụng đen thường núp bóng dưới dịch vụ cầm đồ hoặc tổ chức thành từng nhóm, thuê nhà rồi in tờ rơi dán cột điện hoặc rải dọc đường quảng cáo cho vay tiền đơn giản, chỉ cần CMND để dụ khách hàng. Khi "dính câu", nạn nhân phải khổ sở, lo trả gốc lẫn lãi với lãi suất quá cao. Cá biệt có trường hợp không có khả năng trả nợ, nạn nhân đã bị các nhóm đối tượng phạt lãi suất lên đến 960%/năm.

Trong hoạt động cho vay trái phép này, để đối phó với công an, các nhóm tín dụng đen không ghi cụ thể lãi suất trong các giấy vay mượn mà thường có sổ riêng để theo dõi để tính gốc, lãi đối với các con nợ. Nhiều con nợ tuy khủng hoảng tinh thần vì lãi cao nhưng ngại tiếp xúc với công an do sợ ảnh hưởng đến việc làm ăn hoặc vay mượn để cờ bạc, ma túy.

Theo đại tá Hoãn, có khó cũng phải triệt các băng nhóm tín dụng đen vì đã gây ra hệ lụy rất lớn cho xã hội. Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết qua rà soát đã phát hiện tại tỉnh có gần 60 nhóm với trên 200 đối tượng hoạt động tín dụng đen. Trước tình hình này, công an tỉnh đã ra quân trấn áp mạnh các nhóm cho vay nặng lãi, đến nay đã khởi tố, điều tra 3 vụ, xóa 53 nhóm với hơn 150 đối tượng và nhiều đối tượng hoạt động riêng lẻ, hàng chục cơ sở kinh doanh liên quan đến tín dụng đen.

Tại Bình Thuận, qua xác minh có hơn 40 nhóm với trên 200 đối tượng hoạt động tín dụng đen. Công an tỉnh Bình Thuận đã thành lập nhiều chuyên án, chỉ đạo công an các địa phương tấn công, trấn áp, xử phạt vi phạm hành chính hơn 160 đối tượng với gần 300 triệu đồng về các hành vi kinh doanh không phép, trốn thuế, phát tờ rơi gây ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự xã hội. Đồng thời, cơ quan điều tra đã khởi tố 8 vụ án, 16 bị can liên quan đến các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê với các hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản. Qua các đợt ra quân, Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã thu giữ hàng trăm giấy tờ dùng để cầm cố, thế chấp cùng nhiều loại hung khí phục vụ cho hoạt động đòi nợ của các nhóm tín dụng đen.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã ký quyết định thành lập tổ liên ngành gồm công an và các sở - ngành để kiểm tra hoạt động cho vay tiền mặt trái phép. 

Quy định pháp luật chưa rõ ràng

Theo đại tá Đỗ Trọng Hoãn, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chưa có hướng dẫn thi hành của các cấp có thẩm quyền. Trong đó, để cấu thành tội phạm là mức lãi cho vay phải cao hơn 5 lần so với mức lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước và thu lợi bất chính phải trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, việc thu lợi bất chính 30 triệu đồng là của nhiều người cộng lại hay của một người, số tiền lãi đã thu hay sẽ thu?... "Những vấn đề này chưa có những hướng dẫn cụ thể, khiến các cơ quan điều tra lấn cấn. Dù vậy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến nay, Công an Đắk Nông xử lý được 4 vụ, làm tan rã hàng chục nhóm cho vay nặng lãi, số ít còn lại hoạt động lén lút, cầm chừng" - đại tá Hoãn thông tin.

Cao Nguyên - Việt Khánh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Xã Hội