Theo đó, UBND TP.Cần Thơ đưa ra tiêu chí là doanh nghiệp phải ứng trước tối thiểu 149,9 tỷ đồng để Nông trường Sông Hậu xử lý nợ tại các ngân hàng.
Người dân tham gia sản xuất trong Nông trường Sông Hậu
Ngoài ra, doanh nghiệp phải hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 10 năm trở lên, có lợi nhuận sau thuế trong 5 năm liên tục gần nhất, không có lỗ lũy kế, phải tiếp nhận, sử dụng lao động tại địa phương, duy truỳ ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Nông trường sông Hậu.
Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện phương án sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Cờ Đỏ và của TP.Cần Thơ. Không làm xáo trộn biến động đất đai gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Khi doanh nghiệp chấp thuận đầu tư và đáp ứng các tiêu chí trên, ngành chức năng địa phương sẽ hỗ trợ chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Trong 5 năm đầu, doanh nghiệp đầu tư vào đây không được rút vốn ra khỏi công ty dưới mọi hình thức và cũng không nhận lại tiền ứng trước đó.
Theo phóng viên tìm hiểu, Nông trường Sông Hậu được thành lập năm 1979 từ vùng đất hoang hóa ngập nước và nhanh chóng huy động các nguồn lực để khai hoang, tổ chức sản xuất ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Đồng thời, nơi đây cũng huy động các nguồn vốn vay, vốn tích lũy để xây dựng hạ tầng trên tổng diện tích gần 7.000ha (diện tích lớn nhất so với các nông trường khác trong cả nước). Đến năm 1992, Nông trường Sông Hậu thành lập doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, cạnh tranh khắc nghiệt, nông trường này gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng ngày càng lớn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ nhiều năm liền. |