Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 24-6, Bắc Bộ đã có mưa rào và rải rác có giông; vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét
Cơ quan khí tượng cảnh báo mưa lớn ở Bắc Bộ tập trung vào sáng và đêm. Khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ 1-3 m; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La; ngập lụt vùng trũng ở khu vực trên.
Cả thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình chỉ còn một giếng nước phục vụ cho hàng trăm hộ dân Ảnh: HOÀNG PHÚC
Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, trong đêm 23 rạng sáng 24-6, khu vực miền núi phía Bắc có mưa to gây lũ quét tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu làm 3 người mất tích; đứt cáp cầu treo, nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị hư hại và ảnh hưởng đến 116 hộ dân tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, sạt lở để thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân chủ động ứng phó.
Ruộng khô, người khát
Trong khi miền Bắc đã có mưa thì các tỉnh Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài kết hợp độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng.
Ở tỉnh Quảng Bình, việc không đủ nguồn nước tưới cộng thêm nắng nóng kéo dài khiến nông dân lo lắng. Theo kế hoạch, huyện Quảng Trạch gieo trồng 3.400 ha vụ lúa hè thu nhưng hiện chỉ mới gieo trồng chưa đến 2/3 diện tích. Ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch, nói hồ đập khô cạn, kiệt nguồn nước tưới nên nông dân tổn thất nặng nề. Tại các xã như: Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thạch… có hơn 450 ha ruộng lúa thiếu nước. Tuyến kênh Kịa dài hơn 15 km cạn trơ đáy.
Ông Hồ Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu, nói một tháng qua tổ chức vận động dân tận dụng nước ao hồ để cứu lúa. Tuy nhiên, nước hồ cạn nên nguy cơ lúa cháy hạn không có sản lượng là rất cao. Không chỉ thiếu nước cho cây trồng, hàng ngàn hộ dân tại Quảng Bình cũng đang điêu đứng vì thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, nhận định nếu trong 2 tuần tới không có mưa thì huyện sẽ thiếu nước trầm trọng, từ cây trồng cho đến nước sinh hoạt, vì mực nước các hồ có dung tích lớn trên địa bàn xuống thấp quá, không thể tận dụng được nữa. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, chỉ có 3/17 hồ chứa thuộc đơn vị quản lý đạt dung tích thiết kế, 14 hồ còn lại dung tích chỉ 40%-50%.
Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết nếu trong những ngày tới không có mưa, khoảng 500 ha canh tác của tỉnh có nguy cơ mất trắng. Diện tích lúa bị ảnh hưởng thuộc vùng đất cát ven biển huyện Tĩnh Gia. Ông Vũ Trọng Nam, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tĩnh Gia, cho biết nước đã đến mực nước chết của các hồ.
Nắng nóng kéo dài tại Nghệ An và Hà Tĩnh làm liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy khiến hàng trăm hecta rừng phòng hộ, rừng sản xuất bị thiêu rụi. Nhiều trẻ em ra sông, đập tắm dẫn đến hàng loạt vụ đuối nước làm hàng chục học sinh tử vong.
Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), cho biết 1.200 ha lúa và 100 ha chanh của huyện này bị ảnh hưởng, trong đó 500 ha lúa đã chết cháy. Nếu trời vẫn không mưa thì số diện tích lúa còn lại trên địa bàn sẽ chết hết.
Dễ đổ bệnh
Nắng nóng kéo dài những ngày qua ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tại Bệnh viện Nhi trung ương (TP Hà Nội), số trẻ tới khám các bệnh đường hô hấp tăng vọt với khá nhiều trẻ viêm phế quản, ho, sốt, tiêu chảy; khá nhiều ca mắc sởi, cúm, tay chân miệng... Trong đó, nhiều trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Còn người cao tuổi đa phần nhập viện để điều trị các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, viêm phế quản, rối loạn điện giải, bệnh lý về khớp.
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Bạch Mai..., số bệnh nhân có bệnh mạn tính, suy thận, đột quỵ... đều tăng. Các bác sĩ lưu ý người già nếu có biểu hiện chân tay yếu, nhìn mờ, méo miệng, khó thở hay đau ngực... cần được đưa ngay tới cơ sở y tế kịp thời. Thời gian vàng để điều trị đột quỵ não là dưới 4-5 giờ, nhồi máu cơ tim là 30 phút đến 1 giờ.
N.Dung